vào tuổi ấu thơ, không chừa một ai. Người ta nói với mình như thể nói với một
cháu bé lên một, lên hai. Còn hơn cả những sự giày vò về vật chất, các bà già
đau khổ vì bị tước đoạt mọi cuộc sống riêng tư ấy, bị biến từ một con người
thành một đồ vật.
Tôi chưa đến thăm được Nanterre, nhưng đã đến tham quan một dưỡng đường
Cứu tế xã hội, ở một vị tri rất tốt, chính giữa Paris, trong đó có khoảng 200
người, cả hai giới nam, nữ. Bao quanh là một khu vườn rộng sum suê hoa lá: tôi
đến vào một buổi sáng mùa thu đẹp trời và mọi căn phòng chan hòa ánh sáng.
Nền nhà, tường nhà, các tấm dra hết sức sạch sẽ. Tôi gặp những người thầy
thuốc chăm chú, những nữ y tá trẻ, dễ thương và tận tụy. Thế nhưng mặc dù đã
nắm rất vững tin tức, tôi vẫn khó có thể quên nỗi kinh hoàng về buổi thí nghiệm
này: tôi trông thấy những con người rơi vào một cảnh tượng hoàn toàn tội
nghiệp.
Một vài người được ưu đãi, có thể trả nhiều tiền, ở trong những căn buồng
đặc biệt; một vài người khác, trong những phòng có bốn, năm giường nằm.
Nhưng đại đa số bị dồn vào các phòng ngủ. Mỗi người có một giường, một bàn
đêm, một ghế phôtơi và một tủ nhỏ kê phía chân giường. Khoảng cách giữa hai
giường gần bằng chiều rộng hai chiếc bàn đêm, họ sống suốt ngày ở đấy: thậm
chí nhà ăn cũng không có (trừ một nhà ngủ đàn ông kéo dài ra thành phòng ăn).
Bữa ăn được dọn trên một chiếc bàn nhỏ, cạnh giường. Không có phòng khách,
trừ một buồng nhỏ, tồi tàn đến mức không bao giờ họ đặt chân tới, dù để tiếp
khách đi nữa. Có một hiện tượng khác thường đến kỳ lạ không ai có thể giải
thích cho tôi, là: người mạnh khỏe thì ở tầng một, người nửa-tàn tật ở tầng hai,
người liệt giường ở tầng ba. Những người này không cử động được; họ được
nuôi dưỡng và chăm sóc tựa những trẻ sơ sinh; nhưng sự “nuông chiều” ấy
không có gì là yên ổn cả: gương mặt những bà già tôi gặp đều nhăn nhúm vì
kinh hoàng, thất vọng, bất động trong một thứ hoảng sợ đần độn. Có lẽ người ta
không còn có thể làm gì khác cho họ. Điều đáng giận nổi bật trước mắt, là ở
tầng hai. Trong số những người nửa-tàn tật, nhiều người có thể đi lại từ đầu này
đến đầu kia nhà ngủ; có thể ra ngoài; nhưng vì không có thang máy và vì không
bước xuống các bậc tam cấp được nên hoàn toàn như thể bị cầm tù. Và thậm chí,
khu vườn cũng là nơi “cấm kỵ” đối với họ. Và tình hình càng thêm trầm trọng là
họ phải ở chung với những người quá già không còn làm chủ được cơ thể nữa,
suốt ngày ngồi trên những chiếc ghế tựa đục thủng; những người này ở chung
phòng với những người khác, những người phải sống trong một bầu không khí