trình bày là sự hao mòn này không nhất thiết gắn liền với quá trình già lão, mà
với chế độ lao động. Tuy vậy, chừng nào chế độ này chưa được cải thiện thì vẫn
phải bảo vệ quyền nghỉ ngơi của công nhân già.
Mặt khác, các nhà hoạt động nghiệp đoàn cho rằng trong một nền kinh tế mà
nền tảng là lợi nhuận, không thể nghĩ tới chuyện tạo lập một nguồn dự trữ nhân
lực giá rẻ, một thứ giai tầng vô sản lớp dưới (sous-prolétariat) bị giới chủ bóc lột
đến tận cùng và khiến những cuộc đấu tranh của công nhân kém hiệu quả.
Những luận cứ này mang tính chất quyết định. Xã hội ngày nay áp đặt một sự
lựa chọn quái gở: hoặc hy sinh hàng triệu thanh niên, hoặc để hàng triệu người
già sống vất vưởng trong đói khổ. Mọi người đều thống nhất không chọn giải
pháp thứ nhất; vì vậy, chỉ còn giải pháp thứ hai. Không phải chỉ có bệnh viện và
dưỡng đường, mà toàn bộ xã hội là một “khu vực hấp hối” (“mourroir”) lớn đối
với người già.
Khi hỏi người già muốn tiếp tục lao động hay nghỉ ngơi, điều làm người ta
não lòng trong câu trả lời của họ, là ở chỗ những lý do họ nêu lên bao giờ cũng
tiêu cực. Nếu họ muốn tiếp tục làm việc, thì chỉ vì nghèo đói; nếu họ muốn nghỉ
ngơi, là để giữ gìn sức khỏe; nhưng cả hai lối sống ấy đều không được hình
dung như một nguồn thỏa mãn tích cực. Trong lao động cũng như trong nghỉ
ngơi, họ đều không tìm thấy một sự thỏa mãn bản thân mình; và cả hai đều
không tự do.
Trong tác phẩm Chủ nghĩa xã hội khó khăn (Le Socialisme difficile), Gorz
chứng minh một cách đúng đắn rằng sự tiêu thụ với tư cách một hiện tượng thụ
động, tương ứng với lao động cưỡng bức. “Cá nhân - phân tử” (l’individu
moléculaire”) không cảm thấy mình chủ động trong lao động cũng như trong
tiêu thụ. Thế nhưng tuổi già vừa là hiện tượng không lao động, vừa là sự tiêu thụ
đơn thuần; những sự “rỗi rãi thụ động” của cả một cuộc đời chỉ có thể dẫn tới
một sự “rỗi rãi thụ động” trong cảnh nghỉ hưu: người ta sống vất vơ vất vưởng
trong lúc chờ đợi cái chết.
Bi kịch tuổi già là sự lên án triệt để cả một chế độ sống trong đó tuyệt đại đa
số người ta không tìm thấy một lẽ sống nào hết. Lao động và mệt nhọc khiến
người ta không nhận ra sự thiếu vắng ấy: nó chỉ xuất hiện khi người ta về nghỉ
hưu. Về già, người lao động không còn chỗ đứng trên trái đất nữa vì thực ra
người ta chưa bao giờ dành cho họ một chỗ đứng: chỉ có điều là họ không có thì
giờ để nhìn nhận ra điều đó. Đến khi nhận ra, thì rơi vào một thứ tuyệt vọng đờ
đẫn.