mình về thể chất và tinh thần, chứ không phải cơ thể, trí nhớ, năng lực thích ứng
về vận động tâm thần (adaptation psychomotrice) như của một người trai trẻ.
Không một ai sống lâu có thể thoát khỏi cảnh già; đó là một hiện tượng tất yếu,
không thể tránh khỏi.
Tuổi già bao giờ cũng dẫn tới cái chết. Nhưng hiếm khi tự thân nó kéo theo
cái chết, mà không có sự can thiệp của một yếu tố bệnh lý. Schopenhaueur cho
là đã từng biết những người hết sức già lão qua đời mà không có nguyên nhân
cụ thể. Giáo sư Delore kể chuyện một bà cụ một trăm tuổi đi bộ tới bệnh viện và
xin một chiếc giường để chết, vì cụ cảm thấy rất mệt mỏi. Ngày hôm sau, cụ qua
đời và khi mổ xẻ, không tìm thấy một sự rối loạn cơ thể nào hết. Nhưng đó là
một trường hợp hầu như duy nhất. Những cái chết được gọi là “tự nhiên” - đối
lập với những cái chết về tai nạn - trên thực tế đều bị gây nên bởi một sự hư
hỏng của cơ thể.
Con người sống lâu hơn các động vật có vú khác. Từ những nguồn tin nghiêm
túc, tôi chỉ gặp một chủ thể duy nhất sống trên 105 năm: Antoine - Jean
Giovanni, sống ở làng Grossard và thọ trên 108 tuổi. Người ta nghĩ tuy không
tin chắc, rằng di truyền giữ một vai trò trực tiếp hay gián tiếp trong tuổi thọ;
nhiều yếu tố khác can thiệp vào, và trước hết là giới tính: trong tất cả các loài
động vật, con cái sống lâu hơn con đực: ở Pháp, phụ nữ sống trung bình lâu hơn
nam giới bảy năm. Sau đó, là ảnh hưởng của những điều kiện phát triển, chế độ
ăn uống, môi trường, điều kiện kinh tế.
Những điều kiện này có ảnh hưởng rất quan trọng đối với sự già lão. Các nhà
lão khoa học đã chứng minh điều đó qua nhiều cuộc điều tra. Cuộc điều tra mà
tôi đã nói tới, được tiến hành ở Sheffield chỉ ra rằng sức khỏe tùy thuộc chặt chẽ
vào mức sống. Điều đó nổi rõ từ công trình nghiên cứu của nhóm giáo sư
Bourlière về nông dân và ngư dân ở Bretagne. Người ta cho ở nông thôn, con
người sống lâu và mạnh khỏe hơn so với ở thành phố: sự thực thì tất cả các chủ
thể được xem xét đều không được mạnh khỏe bằng những người khá giả ở Paris
cùng một lứa tuổi.
Vai trò của những yếu tố kinh tế này cho chúng ta thấy những giới hạn của lão
khoa, với tư cách xác định sự già lão của cá nhân về mặt sinh học. Những kết
quả thu được hết sức đáng lưu ý; không thể hiểu tuổi già nếu không dựa vào
chúng. Nhưng chúng không thể đủ. Trong nghiên cứu tuổi già, chúng chỉ thể
hiện một thời điểm trừu tượng. Sự thu teo vì già nua của một con người bao giờ
cũng diễn ra trong lòng một xã hội; nó tùy thuộc chặt chẽ vào bản chất của xã