đời và sống dưới mái nhà mình, ở độ tuổi 50. Về sau, khi sức lực giảm sút,
người già mất hết ảnh hưởng. Người Fang cho rằng cuộc sống con người là một
đường biểu diễn đi lên từ tuổi thơ đến lúc trưởng thành; rồi đi xuống tới mức
thấp nhất, để đi lên trở lại sau khi qua thế giới bên kia. Sự giàu có và những tri
thức ma thuật có thể bù đắp sự mất mát vì tuổi già. Nhưng nói chung, người già
bị tách khỏi đời sống công cộng, họ sống cuộc sống ngoài lề và không hề được
tôn kính. Lọm khọm, họ bị khinh miệt tới mức sọ dừa họ không được sử dụng
trong lễ thờ phụng. Nếu không có con thì cuộc sống của họ rất gay go. Ngay
trong số những người cải sang đạo Cơ đốc, họ cũng rất ít được chăm sóc và sống
rất khổ sở, nhất là những người đàn bà góa. Ngày trước, họ bị bỏ rơi trong rừng
trong những cuộc chuyển cư. Ngày nay, khi một làng di chuyển đến nơi khác -
điều thường xảy ra - họ bị bỏ lại phía sau, trong cảnh cùng quẫn hoàn toàn. Họ
chấp nhận thân phận, và thậm chí “trong vui đùa” - như người ta vẫn nói - Một
vài người tuyên bố “mệt mỏi vì cuộc sống” và nhờ người ta thiêu sống. Đôi khi
chính những người thừa kế thanh toán họ.
Người Thonga không du canh du cư; những người dân Bantou này sống ở bờ
đông Nam Phi, trên những vùng đất cằn cỗi. Dân cư ở rải rác. Đất đai thuộc về
thủ lĩnh và được phân phối cho các thành viên trong cộng đồng; mỗi người là
chủ nhân tuyệt đối của thành quả lao động của bản thân mình, hay của những
người vợ, vì nhiều nhiệm vụ vốn dành cho phụ nữ. Người ta trồng ngô, trái cây,
rau xanh, nuôi bò và dê; săn bắt và đánh cá; làm chút ít điêu khắc trên gỗ và đồ
gốm. Folklore của họ gồm những điệu nhảy và bài hát. Họ trải qua những thời
kỳ phong túc nhưng cũng cả những thời kỳ đói kém do lũ lụt và những đàn châu
chấu. Họ ăn chung. Người ta lần lượt phục vụ những người chồng, đến trẻ em,
rồi phụ nữ; về nguyên tắc, người ta chia sẻ với người tàn tật và người già.
Những người này ít được trọng vọng. Khốn quẫn về kinh tế, họ không được
thương yêu. Trẻ em từ 3 đến 14 tuổi sống với ông bà và lớn lên theo lối tự nhiên;
luôn luôn đói, ăn cắp vặt; và công việc dạy dỗ bọn con trai là thử thách rất gay
go. Sau đó, thanh niên cả nam lẫn nữ cùng sống chung trong một túp lều dành
riêng cho họ. Họ ít có quan hệ với bố mẹ, và thù ghét thế hệ đã nuôi dưỡng mình
trong sự thờ ơ. Đến tuổi trưởng thành, họ tỏ ra thô lỗ đối với người cao tuổi. Bản
thân trẻ em, buộc phải ở chung với ông bà, không ưa thích người già; chế giễu
họ và ăn mất phần của họ. Người Thonga hầu như không có truyền thống văn
hóa và xã hội; ký ức người già không dùng để làm gì hết. Tôn giáo thì thô sơ.
Người anh cả trong gia đình hương khói cho tổ tiên; tổ tiên đôi khi hiện về trong