theo sử thi kể lại - “buộc họ vào một chiếc nôi như một trẻ nhỏ và hát ru để ru
ngủ họ”.
Vốn tôn trọng người già, người Ossète ngày nay thay đổi một số chi tiết của
sử thi. Người ta coi việc giết người già là những mưu đồ tội phạm, chứ không
phải là việc áp dụng một tập tục cổ xưa. Vào giữa bữa tiệc, xuất hiện một người
anh hùng trẻ tuổi cứu thoát ông già.
Có những bộ tộc rất nghèo nhưng không loại bỏ người già. Do đâu có sự khác
biệt này? Thật đáng quan tâm tìm hiểu trong khi so sánh với các ví dụ vua nói
trên. Khác với các bộ tộc ở ven biển, người Chuckchee trong nội địa tôn kính
người già. Cũng như người Koryac, họ chăn dắt các đàn tuần lộc trên thảo
nguyên phía Bắc; cuộc sống của họ vất vả tới mức họ suy tàn sớm, nhưng không
vì vậy mà suy sụt về mặt xã hội. Quan hệ gia đình rất chặt chẽ. Người cha cai
quản gia đình và là chủ đàn gia súc: ông giữ quyền sở hữu ấy cho tới khi chết.
Vì sao ông được trao quyền kinh tế ấy? Chắc hẳn là vì, bằng cách này hay cách
khác, cả cộng đồng tìm thấy quyền lợi của mình trong đó: những người lớn, tuổi
còn trẻ hơn, kinh sợ ý nghĩ sẽ có ngày mình bị mất mạng, và do vậy bảo đảm
được một tình hình xã hội ổn định mà họ đều mong muốn. Đặc biệt, và có lẽ là
trường hợp ở đây, người già thường giữ vai trò quan trọng trong việc phân chia
của cải trong hôn nhân: có đàn gia súc - hay đất đai - có nghĩa là có quyền phân
chia chúng cho con trai và con rễ theo tục lệ. Là chủ sở hữu, người già cũng là
người trung gian hòa giải giữa những người được hưởng thụ hợp pháp của cải
của mình. Vì vậy, không có vấn đề một trong số họ tước đoạt những của cải ấy
của ông như tình hình xảy ra ở những dân tộc sơ khai như người Yakoute. Dẫu
sao, của cải mà người già vẫn là người nắm giữ, bảo đảm cho họ một ảnh hưởng
lớn. Có khi tuy đã hầu như lẩn thẩn, họ vẫn lãnh đạo cả đoàn: quyết định những
cuộc di trú và vị trí cắm trại trong mùa hè. Khi dời trại, người già ngồi trên xe
trượt tuyết cùng với những người khác; nếu không đủ tuyết, thì thanh niên cõng
họ trên vai. Theo Bogoras kể lại, vào mùa xuân, một người trong số họ tới vùng
sông Volverene để mua dụng cụ của nhà buôn ở các làng vùng Bắc cực. Ông ta
mua được chăng hay chớ, mang về những con dao ăn thay vì những con dao săn.
Bọn trẻ cười vui vẻ: “Ông già điên! Nhưng làm sao được? Một ông già mà lị”.
Bogoras kể chuyện một ông già khập khiễng, chống nạng, nhưng vẫn làm chủ
đàn gia súc và gia đình. Hàng năm, ông đi chợ phiên và tiêu gần hết cả tiền để
mua rượu. Nhưng không vì vậy mà không tiếp tục được trọng vọng.