già vẫn hạnh phúc. Chắc hẳn là vì mọi người thừa nhận kinh nghiệm của người
già có giá trị, và nhất là, vì tình yêu thương lẫn nhau gắn bó cha mẹ với con cái.
Người Aléout, gốc Mông Cổ, lực lưỡng và có thân hình cân đối, sống trên quần
đảo Aléout. Họ đi lại bằng xuồng và sống bằng nghề đánh cá, họ ăn cá voi và
đầu cá ướp. Họ không dự trữ thực phẩm, họ vung phí, mặc dù không dồi dào: họ
có sức dẻo dai và có thể nhịn ăn qua nhiều ngày. Họ chia sẻ cái ăn cho cả cộng
đồng. Họ sống trong lều tranh. Họ chậm chạp, nhưng khéo tay và không biết
mệt trong công việc. Họ có trí nhớ tốt và có thể bắt chước nghề thủ công Nga và
chơi cờ. Có những nhà quan sát cho là họ lười biếng: sở dĩ như vậy, là vì họ
không có những giá trị như trong xã hội trọng thương; họ không muốn tích lũy
của cải; người ta tôn trọng người giàu vì khéo léo về kỹ thuật giúp họ giàu có,
chứ không phải vì tài sản của họ. Nhưng nữ trang của phụ nữ lại rất đắt tiền; đôi
khi, họ làm những cuộc viễn chinh lớn để tìm đá quý. Họ tổ chức những buổi lễ,
khiêu vũ, tiệc tùng. Họ ít thờ phụng nhưng tin vào quyền lực các thầy pháp
saman. Rất ít khi họ giết trẻ em: người ta làm tất cả vì chúng, cho chúng tất cả
những gì tốt đẹp nhất. Có khi có người tự sát vì thất vọng vì mất con hay cháu.
Ngược lại, con cái quý trọng bố mẹ và ra sức làm cho những năm tháng cuối
cùng của bố mẹ được yên ấm; bỏ mặc bố mẹ là một sự sỉ nhục; người ta phải
giúp đỡ họ, chia sẻ mọi thứ với họ, nếu cần, hy sinh vì họ; đặc biệt, người ta tận
tụy với mẹ, dù mẹ có tàn tật và lẩm cẩm. Đối xử tốt với bố mẹ, nghe lời bố mẹ,
thì được bù đắp: đánh cá sẽ được nhiều và sống sẽ thọ hơn. Sống thọ, là nêu một
tấm gương lớn cho con cháu. Những người già rất cao tuổi giáo dục thanh niên;
người ta trân trọng lắng nghe họ, dù họ có lẩm cẩm. Họ phụ trách trông coi lịch
(thay đổi vị trí của cây diêm chỉ ngày trong tháng). Các bà già chăm sóc người
bệnh: mọi người tin cậy họ. Nói chung, có một sự cân bằng tốt đẹp giữa kinh tế
và lòng hiếu thảo. Thiên nhiên cung cấp đủ nguồn lực để cha mẹ có thể nuôi
dưỡng con cái và có thì giờ chăm sóc chúng; ngược lại, con cái không để cha mẹ
già thiếu thốn chút gì.
Những xã hội chúng ta vừa xem xét chỉ có kỹ thuật thô sơ; tôn giáo và thậm
chí cả ma thuật chỉ giữ một vị trí nhỏ bé. Khi đời sống kinh tế đòi hỏi một nguồn
tri thức phong phú hơn, thì ma thuật và tôn giáo phát triển; vai trò người già lúc
đó phức tạp hơn, có thể nắm giữ những quyền lực lớn hơn. Điển hình nhất là
trường hợp người Aranda: trước khi các nhà truyền giáo đến xứ này, người
Aranda đã thiết lập một chính quyền bô lão (gérontocratie) thực sự. Người
Aranda sống bằng săn bắt, hái lượm, hầu như trần truồng trong rừng Australia.