Xã hội người Givaro cũng là một xã hội thịnh vượng; họ sống trong rừng
nhiệt đới, dưới chân dãy núi Andes, bằng nghề làm vườn, săn bắt và đánh cá.
Đàn ông săn bắt, đàn bà làm vườn: đất đai màu mỡ, thú rừng nhiều, họ không
bao giờ thiếu thực phẩm. Họ dệt vải và làm những đồ gốm trang nhã. Họ không
hoạt động chính trị; các gia đình sống rải rác; họ rất yêu trẻ em, và chỉ giết chết
những đứa bất bình thường. Những người cao tuổi được kính trọng. Chính nhờ
kinh nghiệm của họ mà khoa học về loài vật và cỏ cây cũng như dược lý phát
triển. Họ truyền lại các huyền thoại và ca khúc. Ngoài trí tuệ này ra, họ còn có
một quyền lực siêu nhiên ngày một phát triển, ngay cả trong cảnh lão suy.
Những người cao tuổi nhất trong gia đình đặt tên cho trẻ em: họ hội nhập đứa trẻ
sơ sinh vào toàn gia quyến. Người già lý giải giấc mơ của thanh niên và tiến
hành lễ thụ pháp cho họ; dạy họ cách dùng thuốc ngủ và thuốc hút. Đàn ông và
đàn bà cao tuổi điều khiển các nghi thức và lễ hội tôn giáo - tuy không phải là tu
sĩ -. Trò tiêu khiển ưa thích của người Givaro, là chiến tranh: người chỉ huy cuộc
viễn chinh, thông thường là một người đàn ông tương đối lớn tuổi. Có khi các
chiến binh già đưa về nhà những nữ tù binh được chọn trong các bộ lạc thù địch;
ăn nằm với họ, nhưng thường bị họ phản bội với những người đàn ông trẻ tuổi
hơn; thế là họ bị đánh đập, đôi khi đến chết. Người Givaro cũng sợ linh hồn
người già trả thù. Bị hành hạ, những người này hóa kiếp thành một con vật nguy
hiểm (hổ báo, trăn nước...) và trở về trừng phạt những kẻ phạm tội.
Đối với người Lele, một bộ lạc sống gần Congo trong một khu rừng và thảo
nguyên, những quyền ưu tiên dành cho người già rất lớn cho tới tận khoảng năm
1930. Bộ lạc này sống ít phong túc hơn nhiều so với bộ lạc người Bushong sát
bên cạnh, trong những điều kiện tương tự: cày bừa, đánh cá, săn bắt, dệt vải. Đất
đai có xấu hơn chút ít, mùa khô hạn có kéo dài hơn chút ít, nhưng những sự khác
biệt này không đủ giải thích sự khác biệt về mức sống; sự khác biệt này chủ yếu
bắt nguồn từ bối cảnh xã hội. Theo những nhà dân tộc học từng quan sát họ vào
đầu thế kỷ, họ lao động ít hơn, và với những kỹ thuật thô sơ hơn; họ không tìm
kiếm thành tựu cá nhân, một mặt vì sợ bị ganh ghét, nhưng chủ yếu vì cái tạo
nên uy tín, không phải là việc tích lũy của cải, mà chính là tuổi tác. Việc phân
công lao động chỉ cho phép họ làm một số nhiệm vụ; nhưng họ theo chế độ đa
thê; họ chiếm đoạt phụ nữ và phụ nữ lao động cho họ; các chàng rể cũng phải
phục vụ họ. Thanh niên chỉ có quyền có một người vợ tập thể: để đổi lấy những
áo quần mới dệt, người đàn ông cao tuổi tặng một trong những con gái mình cho
lớp thanh niên của một làng, và toàn thể lớp này trở thành con rể ông ta. Không