con số không. Gia đình họ theo chế độ gia trưởng: chủ gia đình, là người đàn
ông cao tuổi nhất nếu có những tính chất cần thiết. Người thủ lĩnh cộng đồng
cũng là người cao tuổi nhất, với cùng điều kiện như người chủ gia đình: nếu
không, chỉ có chức mà không một chút thực quyền nào. Những người xét đoán
ngay thẳng, nói năng giỏi, am hiểu các phả hệ và nghi lễ, được coi là những
người khôn và dìu dắt nhân dân. Họ “biết sự việc” và kiểm soát các lực lượng
ma thuật. Họ chăm sóc cho đất đai màu mỡ. Mọi hoạt động xã hội - hiệp ước,
chiến tranh và hòa bình, thừa kế, kiện sự - đều phụ thuộc vào ma thuật, và vì
vậy, đều nằm trong tay họ
. Họ chữa bệnh; hòa giải những cuộc tranh chấp;
gìn giữ cơ cấu xã hội. Gần gũi tổ tiên, họ giữ một vai trò tôn giáo quan trọng và
có những lời phán truyền. Người Tiv thờ phụng những tấm đá linh thiêng; các bà
già nấu những món ăn dâng lên những tảng đá ấy, đàn ông và đàn bà cao tuổi
điều khiển nghi lễ. Khi không còn sức lực và năng lực, người già rút lui khỏi đời
sống xã hội; họ chỉ còn một vai trò danh nghĩa, hoặc thậm chí không còn gì nữa
hết. Một số vẫn giữ những chức trách tôn giáo. Có khi một người già chán
chường cuộc sống, tập hợp họ hàng lại và phân phát các vật thờ (fétiche) trước
khi tự sát.
Người Kikouyou cũng xây dựng truyền thống quyền lực của mình trên cơ sở
lòng tôn kính do sự khôn ngoan của họ mang lại. Đó là người Bantou sống dưới
chân và trên lưng chừng núi Kenya; vào năm 1948, họ có hơn một triệu người
và tiếp xúc nhiều với nền văn minh hiện đại: họ đã từng là nô lệ của các chủ đồn
điền người Âu. Họ sống bằng trồng trọt và chăn nuôi. Chiếc chìa khóa của nền
văn minh của họ, là hệ thống bộ lạc dựa trên nhóm gia đình; người ta lao động
chung trong lòng Đại Gia đình. Họ rất coi trọng các “lớp tuổi” bao gồm tất cả
đàn ông được cắt bao quy đầu (circoncis) trong cùng năm: lứa tuổi xưa nhất
được ưu tiên so với các lứa tuổi khác. Có những sợi dây chặt chẽ giữa ông bà và
cháu. Họ cùng thuộc một cách tượng trưng một nhóm tuổi. Người bà gọi đứa
cháu trai là “chồng tôi” và người ông nội gọi đứa cháu gái là “vợ tôi”. Con cái
kính trọng bố mẹ, lời nguyền rủa của một ông bố hay của một bà mẹ là tai họa
khủng khiếp nhất: không một sự tẩy uế nào có thể xóa bỏ nó được. Khi về già,
cha mẹ được nuôi dưỡng và chăm sóc chu đáo. Người già không có con cái
được con cái hàng xóm giúp đỡ và họ coi chúng như chính con cái mình. Tổ
chức quân sự nằm trong tay lớp trẻ. Thế hệ người già điều khiển công việc
chung. Một thế hệ điều khiển trong hai mươi đến ba mươi năm: rồi trao quyền
lại cho thế hệ nối tiếp, trong một buổi lễ mệnh danh là itwika. Như vậy, một thế