Tuổi tác không loại trừ nghĩa vụ lao động. Sau tuổi 50, đàn ông được miễn
quân dịch và mọi nhiệm vụ vất vả. Nhưng họ phải làm việc trong nhà thủ lĩnh và
ngoài đồng. Họ vẫn có quyền uy trong gia đình. Phụ nữ tuổi trên 50 dệt quần áo
cho cộng đồng; trông coi nhà cửa, nấu bếp v.v.. cho những phụ nữ giàu có. Từ
tuổi 80 trở đi, họ bị điếc và chỉ còn biết ăn và ngủ. Nhưng người ta vẫn sử dụng
họ. Họ bện dây và làm thảm, trông coi nhà cửa, nuôi thỏ và vịt, nhặt lá và rơm
rạ; bà già dệt vải và kéo sợi, trông coi nhà cửa, giúp đỡ việc nuôi dạy trẻ em và
tiếp tục phục vụ những người đàn bà giàu có, kiểm soát những người đầy tớ gái
trẻ. Khi có ruộng đồng, họ không thiếu thốn gì hết; nếu không, họ được bố thí.
Đối với đàn ông cũng vậy: người ta cho họ thực phẩm và quần áo, trông coi đàn
dê cho họ; chăm sóc họ khi ốm đau. Nói chung, người cao tuổi được người ta sợ
hãi, tôn kính và vâng lời. Họ có thể khuyên nhủ, giảng dạy, nêu gương tốt,
khuyên làm việc thiện, giúp đỡ trong công việc thờ phụng. Họ được dùng làm
người trông coi các thiếu phụ; có quyền đánh roi những người con trai và con
gái không ngoan ngoãn.
Không thể coi nhân dân Bali là người nguyên thủy: họ từng có một nền văn
minh cao trong nhiều thế kỷ. Nền văn minh này tránh được mọi ảnh hưởng nước
ngoài, vì hòn đảo ở cách biệt. Người Hà Lan cai trị đảo qua trung gian của giai
cấp quý tộc bóc lột cư dân nông thôn, nhưng không làm biến đổi cơ cấu xã hội
cũng như lối sống của họ. Một nền văn hóa cổ xưa được duy trì trên đảo cho tới
ngày nay và được truyền đạt theo truyền thống khẩu ngữ, vì người Bali không
biết đọc, biết viết. Vì vậy, chúng ta có thể xếp nền văn hóa ấy bên cạnh những
xã hội không có lịch sử.
Người Bali trồng lúa và nâng nền canh tác này lên một trình độ hoàn mỹ
không một dân tộc nào đạt tới được. Họ có đàn gia súc béo tốt, có lợn và gia
cầm; trái cây, rau xanh, nông sản phong phú và đa dạng, đem bán ở những chợ
lớn họp nhiều phiên trong tháng. Làng mạc được xây dựng vững chãi và giữ gìn
sạch sẽ; thủ công nghiệp rất phát triển, cũng như âm nhạc, thơ ca, nhảy múa, sân
khấu. Dân chúng tôn trọng giai cấp quý tộc sống cách biệt đối với họ. Trên thực
tế, mỗi làng là một nước cộng hòa nhỏ, dưới sự lãnh dạo của một hội đồng mà
thành phần bắt buộc là tất cả đàn ông có gia đình, có một ngôi nhà hay thửa đất.
Thủ lĩnh, thông thường được bầu ra, nhưng đôi khi cũng có trường hợp cha
truyền con nối. Họ đại diện quyền lực của thần thánh trên mặt đất: kiểm soát đất
đai, nhà cửa, toàn bộ đời sống xã hội. Quan hệ của mỗi cá nhân với cộng đồng
rất chặt chẽ: mức trừng phạt nặng nhất đối với mỗi thành viên là khai trừ. Họ rất