rất cao tuổi nhảy múa rất đẹp. Họ lên đồng, phán sấm ngữ. Vai trò của họ, đàn
ông cũng như đàn bà, rất quan trọng, vì sự phân biệt theo giới không còn với
tuổi tác. Họ được hỏi ý kiến về tất cả mọi việc. Khi trở nên rất già và bất lực, họ
được gọi là ông và bà. Không còn răng, họ được coi gần như trẻ em; người ta
nghĩ là chẳng bao lâu, họ sẽ hóa kiếp dưới dạng trẻ sơ sinh. Lúc đó, họ mất ảnh
hưởng, nhưng tiếp tục được nuôi dưỡng tốt và đối xử tử tế. Dù có hèn yếu và bất
lực, một ông già cũng có thể là một tu sĩ ở chùa: tuy nhiên, người đó có một phụ
tá trẻ hơn và chức năng của ông mang tính chất danh nghĩa.
Hình như người ta không sợ họ. Nhưng trong các vở kịch ma thuật, Ranga,
mụ phù thủy ăn sống trẻ em, được giới thiệu dưới dạng một mụ già quái gở, cặp
vú lòng thòng, tóc bạc rũ rượi chảy xuống tận chân. Vai diễn này do một diễn
viên lớn tuổi thủ: nhờ tuổi già, ông thoát khỏi hồn của mụ phù thủy mà mình thủ
vai, trả thù.
Những tư liệu tôi nắm được không cho phép tôi rút ra một yếu tố mà các nhà
dân tộc học cực kỳ coi trọng và liên quan tới cuộc sống người già: tức là tổ chức
xã hội. Một số cộng đồng là những bộ lạc du mục, những tập hợp cấu trúc không
chặt chẽ. Nhưng khi các thị tộc hay bộ lạc định cư trên một lãnh thổ nhất định -
chỉ ra rằng xã hội đã mang tính chất nông nghiệp - thì thường phải xác định
chính xác các dòng dõi khác nhau để quy định quyền thừa kế, những sự trao đổi
về hôn nhân và quan hệ giữa các cá nhân. Dòng dõi cho biết tổ tiên, được tổ tiên
hợp thức hóa và là sự nối tiếp đối với tổ tiên. Tổ tiên không bị ném trả lại quá
khứ; cộng đồng - gia đình, thị tộc, bộ tộc - có quyền sở hữu đất đai, bao gồm cả
người sống lẫn người chết; cộng đồng xây dựng một cách thần bí quyền lợi của
mình trên cơ sở quyền lợi của những người đã khuất mà nó tự coi mình là người
thừa kế. Có khi người ta nghĩ là tổ tiên hóa kiếp qua một trẻ sơ sinh trong hậu
duệ, tới mức những thế hệ mới làm sống lại các thế hệ cũ. Người ta không thực
hiện việc thờ cúng tổ tiên trong tất cả các xã hội theo dòng họ: nhưng tình hình
này thường rất hay xảy ra. Tổ tiên là một vong linh khoan dung sống dưới mái
nhà con cháu hay ít nhất cũng phù hộ họ nếu được thờ cúng đúng thể thức.
Người đàn ông cao tuổi phải điều khiển những buổi lễ và hiến tế dâng lên tổ
tiên. Gần gũi tổ tiên hơn so với lớp trẻ, và đến lượt mình chẳng bao lâu sẽ trở
thành tổ tiên, người già mang tính chất thiêng liêng. Dòng dõi hiện thân ở ông
và nhờ ông, những mối quan hệ đúng đắn có thể được thiết lập với những dòng
họ khác: ông là biểu tượng của trật tự và là người xây dựng nó. Bởi thế, trong
những xã hội như vậy, có một hình ảnh được xác định rõ rệt về người già, và họ