Nói chung, quy chế của họ thấp hơn quy chế nam giới. Người ta coi thường họ
hơn, bỏ rơi họ dễ dàng hơn.
Trong nhiều xã hội, đàn ông và đàn bà cao tuổi có quan hệ chặt chẽ với trẻ
em. Có một sự tương đồng giữa cảnh bất lực của trẻ còn bú và cảnh ấy của
người già lão: nó được soi sáng trong bản anh hùng ca về người Narte kể chuyện
họ trói những người già lại trong những chiếc nôi. Trẻ thơ hầu như vừa thoát
khỏi cảnh mơ hồ; còn người già thì sắp đắm mình vào trong đó: người Navajo
cho rằng đứa trẻ vừa mới sống chút đỉnh và người rất già hầu như không còn
sống nữa, đều chết không oán hờn và không trở thành ma. Trên thực tiễn, đó là
những cái miệng ăn vô tích sự và những hành trang cồng kềnh: những bộ lạc rất
nghèo, những người du mục giết cả trẻ thơ lẫn người già. Có thể tục giết người
già không bắt gặp tệ giết trẻ em. Nhưng ngược lại thì không: đại diện cho tương
lai, trẻ em được coi trọng hơn người già giờ đây chỉ còn là một thứ phế phẩm
đơn thuần. Cả hai đều là những ký sinh trùng, nên có khi xảy ra những sự đối
kháng, trong trường hợp thiếu thốn: trẻ em “đánh cắp” phần của người già.
Nhưng nếu có uy tín, nhờ những sự kiêng khem nghiêm ngặt trong ăn uống, thì
người già chiếm đoạt một phần lớn cái ăn. Thông thường, cháu và ông bà liên
kết chặt chẽ với nhau: cả hai đều thuộc một cách tượng trưng lớp tuổi giống
nhau; công việc giáo dục các cháu được giao phó cho ông bà, và các cháu giúp
đỡ ông bà. Những niềm hy vọng tương lai được đặt vào trẻ thơ; còn người già,
cắm chặt vào quá khứ, là người nắm giữ tri thức; họ phải đào tạo những người
thừa kế bảo đảm sự trường tồn cho họ bằng ký ức của những người đó, bằng
việc thờ phụng tổ tiên. Chính mối quan hệ này xây đắp qua thời gian sự thống
nhất của tập thể. Trên thực tiễn, người già, thoát khỏi nhiệm vụ của người
trưởng thành, có thì giờ chăm sóc lớp trẻ, và về phía mình, lớp trẻ có điều kiện
giúp đỡ ông bà những công việc họ đòi hỏi. Kèm theo những sự giúp đỡ nhau bổ
ích ấy là những mối quan hệ vui đùa: do tình trạng bất lực của mình trong thực
tiễn và cũng vì họ là những người ở ngoài lề, và với tư cách ấy, được giải thoát
khỏi nhiều sự ràng buộc xã hội, trẻ con và người già không có cái nghiêm túc
của người lớn: họ vui đùa với nhau, tham gia các trò chơi, thách thức nhau.
Trong xã hội nguyên thủy, người già, thực sự là Người Kia, với tính hai mặt
của từ này. Là Người Kia, phụ nữ trong các huyền thoại của nam giới được coi
vừa như là thần tượng vừa như một kẻ quỵ lụy. Vì vậy - vì những lý do khác và
theo một cách khác người già trong những xã hội này vừa là một kẻ bần tiện vừa
là một thánh nhân. Là người bất lực, vô bổ, người già cũng đồng thời là người