trung gian, nhà ảo thuật, vị linh mục: bất cập vượt quá số phận con người và
thông thường, cả hai cùng một lúc.
Cũng như trong mọi xã hội, người ta trải qua những thái độ ấy một cách khác
thường và ngẫu nhiên. Số phận người cao tuổi có phần phụ thuộc vào năng lực
của họ, vào uy tín và của cải do năng lực ấy mang lại cho họ; số phận của người
tầm thường khác số phận của những người được ưu đãi. Cách đối xử cũng khác
nhau tùy theo nhóm và gia đình. Lý thuyết và thực tiễn không phải bao giờ cũng
thống nhất với nhau: có khi người ta chế giễu tuổi già sau lưng họ, trong lúc vẫn
làm tròn nghĩa vụ với họ. Tình hình ngược lại thường hay xảy ra: miệng người
ta nói tôn kính tuổi già, nhưng trên thực tiễn, người ta để người già chết dần chết
mòn.
Điều quan trọng nhất cần nhấn mạnh, là quy chế của người già không bao giờ
họ giành giật lấy mà do người ta ban phát cho họ. Trong cuốn Giới nữ (Le
Deuxième sexe), tôi từng chứng minh rằng khi phụ nữ có một ảnh hưởng lớn từ
quyền lực ma thuật của họ, thì thực ra nhờ đàn ông mà họ có được ảnh hưởng
ấy. Nhận xét này cũng có giá trị đối với người già so với người lớn. Quyền uy
của họ dựa trên sự sợ hãi hay lòng tôn kính do họ tạo nên: khi người lớn thoát
khỏi quyền uy ấy, thì người già không còn một bùa phép nào khác. Tình hình
này thường xảy ra trong sự tiếp xúc với nền văn minh người Da trắng. Người
Zande, người Aranda không còn chiếm đoạt phụ nữ nữa. Lớp trẻ - như người
Lao ở châu Phi chẳng hạn - rời bỏ làng mạc, nơi từng nuôi dưỡng bố mẹ già để
đi tìm việc làm ở thành phố. Thanh niên Lele rũ bỏ quyền uy của người già bằng
cách cải theo đạo Cơ đốc hay làm việc với người Âu.
Quyền uy của người già tiếp tục được khẳng định khi toàn thể cộng đồng
muốn gìn giữ truyền thống của mình qua lớp người già ấy. Tùy theo khả năng và
quyền lợi của mình, tập thể quyết định số phận người già: họ phải cam chịu số
phận ấy ngay cả khi đinh ninh mình là những người mạnh nhất
.
Dù còn sơ lược, công trình nghiên cứu này cũng đủ chứng minh rằng số phận
người già phụ thuộc vào bối cảnh xã hội. Họ phải chịu một số phận sinh học kéo
theo tất yếu một hệ quả kinh tế: họ không còn sản xuất được nữa. Nhưng sự già
lão của họ xảy ra nhanh hay chậm tùy theo nguồn lực của cộng đồng: ở cộng
đồng này, cảnh lão suy bắt đầu vào tuổi 40, nhưng lại ở tuổi 80 ở cộng đồng
khác. Mặt khác, khi một xã hội tương đối phồn vinh, thì có thể có một số chọn
lựa: người cao tuổi có thể bị coi như một gánh nặng, hay được hội nhập vào một
cộng đồng mà các thành viên quyết định hy sinh của cải đến một mức nào đó để