TUỔI GIÀ - TẬP 1 - Trang 75

người già thì chẳng để làm gì hết: không phải là tiền tệ đổi chác, cũng chẳng
phải là người sinh sản, người sản xuất, họ chỉ còn là một gánh nặng. Chúng ta
vừa nói là quy chế của họ do ban phát mà có: nó không bao giờ kéo theo một sự
chuyển biến. Người ta thường nói: vấn đề người Da đen là một vấn đề của người
Da trắng; vấn đề phụ nữ là một vấn đề của đàn ông: nhưng phụ nữ đấu tranh để
giành quyền bình đẳng, người Da đen đấu tranh chống áp bức; còn người già thì
không có vũ khí nào hết, và vấn đề của họ, tuyệt nhiên là một vấn đề của những
người đàn ông trưởng thành đang lao động sản xuất. Những người này quyết
định vai trò cần trao cho người già, theo quyền lợi riêng của chính mình, về thực
tiễn cũng như về tư tưởng.

Ngay trong những xã hội phức tạp hơn những xã hội chúng ta vừa xem xét,

vai trò ấy có thể quan trọng, vì những người trưởng thành dựa vào thế hệ già
trong khi chống lại tính hiếu động của lớp trẻ. Thế hệ này không chịu để bị tước
đoạt quyền lực mình đã giành được; nếu người ta muốn tước đoạt của họ, họ sẽ
sử dụng nó để tìm cách bảo vệ. Qua huyền thoại, sử biên niên, văn học, chúng ta
tìm thấy tiếng vang của những sự đụng độ ấy. Tất yếu, cuối cùng người già bị
thất bại vì chỉ là một thiểu số bất lực và chỉ khai thác được sức mạnh từ số đông
sử dụng mình.

Nếu vấn đề tuổi già là một vấn đề quyền lực, thì nó chỉ được đặt ra trong nội

bộ các tầng lớp thống trị. Cho tới thế kỷ XIX, người ta chưa bao giờ nói tới
những “người già nghèo đói”; họ không đông, tuổi thọ chỉ có thể có trong các
tầng lớp được ưu đãi; tuyệt đối, họ chẳng đại diện cho gì hết. Lịch sử cũng như
văn học tuyệt đối im lặng về họ. Tuổi già chỉ được nhắc tới trong một chừng
mực nhất định đối với các giai tầng có đặc quyền.

Một sự kiện khác nổi lên rất rõ rệt: đấy là một vấn đề con người. Với tư cách

kinh nghiệm cá nhân, tuổi già cũng liên quan tới, và thậm chí liên quan nhiều
hơn tới phụ nữ, vì họ sống lâu hơn. Nhưng khi coi tuổi già là một đối tượng tư
biện, người ta chủ yếu xem xét cuộc sống của nam giới. Như vậy, trước hết, vì
đàn ông có tiếng nói trong luật pháp, giai thoại và sách vở; nhưng chủ yếu vì
việc tranh giành quyền lực chỉ liên quan tới nam giới. Những con khỉ đực trẻ
tước đoạt quyền lực của con khỉ đực già; chỉ một mình con này bị giết chết, chứ
không phải những con khỉ cái già.

Những xã hội từng có lịch sử đều do đàn ông thống trị; phụ nữ trẻ và già rất

có thể tranh giành nhau quyền lực trong đời sống riêng; còn trong đời sống công
cộng, quy chế của họ giống nhau: họ vĩnh viễn là những “người vị thành niên”.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.