Trong tác phẩm của Aristophane, ít có phụ nữ lớn tuổi, và họ không nổi bật;
chỉ có thể kể tới vài ba người mối lái, và trong Hội đồng các bà (L’Assemblée
des femmes), ba bà già giành nhau lòng quý mến của một thanh niên đẹp trai.
Ménandre, người một trăm năm về sau, được công chúng mến mộ như
Aristophane, cũng không ưu ái tuổi già. Theo ông, không nên sống quá lâu:
“Người sống quá lâu sẽ chết trong cảnh chán chường; tuổi già của họ vất vả,
họ nghèo túng. Quay đi trở lại, họ vẫn thấy kẻ thù; người ta âm mưu chống lại
họ. Họ không thanh thản ra đi, không có một cái chết êm đẹp”.
Ménandre cũng cho một người đàn ông có tuổi muốn có cuộc sống tình dục là
điều đáng buồn: “Không có gì khốn khổ hơn một ông già si tình. Khi người ta
muốn hưởng cái từ bỏ mình - mà nguyên nhân là thời gian - thì làm sao có thể
không khổ sở?”
Ở ông - và chủ đề này thường trở đi trở lại - tuổi già xuất hiện như một sức
mạnh tai hại tấn công người ta từ bên ngoài: “Hỡi tuổi già, mi vốn là kẻ thù của
loài người, chính mi tàn phá tất cả cái đẹp của hình thể, mi biến cái lộng lẫy của
tay chân thành cái nặng nề, sự nhanh nhẹn thành cái chậm chạp”.
“Một đời sống lâu là điều vất vả. Ôi tuổi già nặng nề! Mi không hề có gì tốt
cho con người, nhưng lại gây nên biết bao khổ đau và tai họa. Thế nhưng, tất cả
chúng ta lại cầu mong vươn được tới mi và ra sức cố gắng đạt cho được”.
Trong những vở hài kịch còn lại của Ménandre - theo từng mảng bản gốc hay
qua Térence - có nhiều nhân vật là người già. Trong vở Samnienne, tác giả đặt
vấn đề các thế hệ. “Nhân vật chính diện”, là Déméas, một ông già trìu mến, độ
lượng, thương yêu đứa con trai và buồn bã thấy tiêu tan những niềm hy vọng
mình đặt vào con, nhưng vẫn thanh thản trong những điều bất đắc chí của mình.
Trái lại, Nicératos là một trong những người lớn tuổi nhất trong cả một dòng dõi
những người già độc ác, biển lận, thô bạo. Có một cặp vợ chồng già tương tự
trong vở Heautontimorousenos được Térence sử dụng lại và phát triển. Trong vở
Perikeiroméne, ông già Pataicos giống như Déméas; ông là một người khôn
ngoan, tốt bụng, mực thước, nhạy cảm... Trái lại, trong vở Théophoroumène, là
Craton, một ông già rầu rĩ; và trong vở Épitrepontes, một ông già keo kiệt, cục
cằn, đáng ghét là Smicrinès. So với Aristophane, Ménandre đưa đi xa hơn nhiều
nhân vật ông già lố bịch và đáng ghét, về sau rất được mến mộ. Nhưng cách
nhìn của ông khá tinh tế; ông nghĩ là tuổi cao cũng có thể đi đôi với khôn ngoan
và lòng tốt.