Ít lâu sau khi nhận giải Nobel, giáo sư Kastler nghĩ tới chuyện trở lại ngồi
giữa đám sinh viên để theo những giáo trình về lý thuyết lượng tử. Cuối
cùng và nhất là, một số quan niệm trở nên quen thuộc đối với nhà khoa học
cao tuổi tới mức họ cho đó là những sự thật hiển nhiên và vì vậy, không
nghĩ tới chuyện đặt chúng trở lại thành vấn đề: thế nhưng cần phải loại bỏ
chúng mới có thể tiến lên được. Trong số những “trở lực nhận thức luận”
Bachelard nói tới, ông cho tuổi tác là một trong những trở lực nghiêm trọng
nhất.
Để bảo vệ những quan niệm lạc hậu của mình, nhà khoa học cao tuổi
thường không ngần ngại cản trở bước tiến của khoa học: uy tín của họ tạo
cho họ khả năng ấy. Bachelard nói: “Những nhà khoa học lớn có ích trong
nửa đầu cuộc đời họ, có hại trong nửa sau”. Arthur Clarke điểm lại một số
lớn phát minh mà các nhà khoa học từng tuyên bố là không thể có được,
không phải do thiếu những tri thức cần thiết, mà là do tình trạng thiếu trí
tưởng tượng và sự táo bạo cần thiết mà ông cho nguyên nhân là tuổi tác, vì
theo ông, một nhà khoa học, hễ 40 tuổi là đã già. Trước đây tám chục năm,
ý nghĩ ánh sáng điện có thể sử dụng để thắp sáng trong gia đình, bị tất cả
các chuyên gia phản đối. Tuy vậy, lúc 31 tuổi, Edison tiến hành việc thực
hiện một ngọn đèn nóng sáng (lampe à incandescence); nhưng về sau, cũng
tỏ ra lạc hậu khi ông phản đối việc người ta đề xướng dòng điện xoay
chiều. Newcomb, nhà thiên văn học Mỹ nổi tiếng, chứng minh trong một
chuyên luận nổi tiếng là những đồ vật nặng hơn không khí không thể bay
được. Khi hai anh em Wright bay được, Newcomb tuyên bố không khí cầu
của họ không thể chở quá một người, vì vậy, không thể có một ứng dụng
thực tiễn nào. Một nhà thiên văn học khác, W. H. Biekering, cũng bảo vệ
một quan điểm như vậy. Lúc bấy giờ, người ta đã biết các nguyên lý khoa
hàng không; nhưng họ không chịu rút ra những hệ quả. Năm 1926, giáo sư
Bickerlow khẳng định, có bằng chứng kèm theo, là không bao giờ có thể
phóng một vật lên mặt trăng: ông không hình dung nguồn năng lượng nào
khác ngoài nitroglicerin và trong các phép tính của mình, ông giả định rằng
chất đốt phải gắn liền với vật phóng ra. J. M. Campbell, nhà thiên văn học