sống nổi, họ vùng vẫy trong một ngõ cụt. Sáng tác là lối thoát duy nhất: họ
chọn cái tưởng tượng để ghi nhận vào trong đó sự dung hòa những thế đối
lập giằng xé mình. Trong tuổi già, họ thực hiện sự dung hòa ấy. Vả lại,
cuộc sống cứ phải sống, được chăng hay chớ, và qua đó, tỏ ra khả năng của
mình.
Loại hình văn học ít thích hợp nhất với người già là tiểu thuyết. Trong
lĩnh vực này cũng có những ngoại lệ. Dofoe đã viết tất cả những cuốn tiểu
thuyết của ông, Henri James viết một số trong những cuốn tiểu thuyết tốt
nhất, sau tuổi 60. Cervantes 68 tuổi khi viết phần hai Don Quichotte. Hugo
viết hai cuốn tiểu thuyết trong tuổi già. Ngày nay, John Cowper Powys viết
tất cả những cuốn tiểu thuyết lớn của ông ở tuổi sau 60. Albert Cohen vừa
mới xuất bản ở tuổi 63 cuốn sách hay nhất của ông, cuốn Người đẹp của
Chúa. Nhưng nhìn chung, các nhà văn lớn tuổi hướng về thơ ca, tiểu luận
hơn là tiểu thuyết. Thomas Hardy, nhà tiểu thuyết dồi dào cho tới 60 tuổi,
sau đó chỉ làm thơ. Colette khi về già chỉ còn viết hồi ký. Không bao giờ
Martin du Gard thực hiện được cuốn tiểu thuyết thai nghén sau Gia đình
Thibault, tuy ông đã ghi chép trong nhiều năm. Vì sao vậy?
Mauriac có đề xuất một câu giải đáp. Trong cuốn Nhật ký riêng, ông
viết: “Thời gian trôi qua, tương lai vật chất rút ngắn, khi tác phẩm đã hoàn
thành và bản thảo đã được trao, khi cuộc phiêu lưu của con người kết thúc,
thì các nhân vật tiểu thuyết không còn tìm thấy ở chúng ta không gian để
vận động nữa: chúng bị nhốt vào giữa cái khối bị đông cứng lại và không
thể đụng tới tức là quá khứ chúng ta − trong đó từ nay không còn gì thâm
nhập được nữa − và cái chết tương đối gần, từ nay hiện diện. Ông cũng
viết: Kết thúc tuổi thanh xuân, khi gần tới bước ngoặt cuối cùng, tiếng xao
động của chúng ta không còn che lấp tiếng vỗ bập bềnh hàng ngày của đời
sống chính trị, và tất cả ở chúng ta trở thành im lặng và cô đơn. Lúc đó,
chúng ta cho việc đọc tiểu thuyết làm mình khó chịu và nên chọn Lịch sử
không thể tưởng tượng nổi (Histoire inimaginable) thay vì những câu
chuyện tưởng tượng đẹp đẽ (belles histoires imaginées). Và năm 1962, ông
lại viết tiếp: “Sự thật là khi đã tới chương cuối cùng trong lịch sử của chính