mình, thì chúng ta thấy tất cả những gì được bịa ra đều vô nghĩa”. Chỉ có
những vật được sáng tạo ra bằng máu, bằng thịt là tồn tại ở ta trong cái giới
hạn bất định giữa cái tận cùng và cái hư vô mà người ta mệnh danh là tuổi
già.”.
Thật vậy, tôi nghĩ là nếu cái đà chúng ta tới tương lai bị bẻ gẫy, thì
chúng ta khó có thể tái lập nó ở một nhân vật tưởng tượng: ở nhân vật ấy
cũng như ở chúng ta, cuộc phiêu lưu của con người không còn đủ làm
chúng ta mê say. Còn về quan hệ giữa nhà tiểu thuyết và quá khứ, thì tôi
nghĩ khác. Tác phẩm tôi viết tùy thuộc vừa vào nguồn xa xăm của nó vừa
vào thời điểm hiện tại. Hư cấu, hơn bất kỳ loại hình nào khác, đòi hỏi cái
hiện thời phải bị nát vụn, nhường chỗ cho một thế giới phi-hiện thực: thế
giới này chỉ có sức sống và màu sắc nếu cắm rễ trong những ảo ảnh rất xưa.
Sự kiện, thời sự có thể cung cấp cho nhà tiểu thuyết một điểm tựa, một
điểm xuất phát: họ phải vượt qua chúng và chỉ có thể vượt qua một cách
may mắn bằng cách khai thác chỗ sâu kín nhất của chính mình. Nhưng lúc
đó, họ gặp lại những chủ đề cũ, những nỗi ám ảnh cũ và có nguy cơ lặp đi
lặp lại. Trái lại, hồi ký, tự thuật, tiểu luận tái hiện hay khẳng định lại những
kinh nghiệm mà tính đa dạng làm phong phú thêm nhà văn. Bao giờ người
ta nói cũng là họ; họ ít có nguy cơ lặp đi lặp lại mình khi họ nói về những
cái mới, có ít nguy cơ lặp đi lặp lại mình hơn so với khi họ thể hiện, do một
cái cớ mới, thái độ cơ bản và bao giờ cũng giống như bao giờ đối với thế
giới
Vận may của một nhà văn lớn tuổi là có từ đầu những dự kiến có cội
rễ cắm chặt tới mức mãi mãi giữ được vẻ độc đáo của ông, và rộng lớn tới
mức chúng vẫn mở rộng cho tới lúc ông qua đời. Nếu không ngừng duy trì
với thế giới những mối quan hệ sống động, thì nhà văn cũng không ngừng
tiếp nhận được của thế giới những lời kêu gọi, những lời khẩn cầu. Voltaire,
Hugo nằm trong số những người hạnh phúc ấy, trong lúc những người khác
lặp lại chuyện cũ hay lặng im.
***