Thỉnh thoảng những sự thay đổi lớn về chính trị và xã hội làm biến đổi
cuộc đời người già. Từ sau khi ngục Bastille bị chiếm đóng, Kant bỏ cuộc
đi dạo bất di bất dịch hàng ngày để đến trước xe thư mang tới cho ông
những tin tức của nước Pháp: ông từng luôn luôn tin vào một bước tiến dẫn
tới sự phát triển của xã hội và của con người, và ông nghĩ Cách mạng
khẳng định những dự kiến của mình. Hiếm có một cơ may như vậy, vì một
cách tuần tự, những sự thất bại là tuyệt đối, còn những sự thành tựu thì
mỏng manh. Thường thất vọng trong hy vọng, chúng ta không bao giờ có
hạnh phúc hoàn toàn. Nhà vật lý Plarck nói: “Chân lý không bao giờ thắng:
kẻ thù của nó, cuối cùng chết hết”. Cá nhân tôi phải chịu đựng cuộc chiến
tranh Angiêri một cách kinh hoàng: nền độc lập đã phải trả giá quá đắt nên
tôi không thể đón nhận nó trong hoan hỷ. Mirabeau cho rằng: “Con đường
dẫn tới cái thiện còn tồi tệ hơn cái ác”. Trẻ trung, với trước mắt một sự vĩnh
hằng hão huyền; về sau, người ta nhảy bằng một bước nhảy vọt tới đích con
đường; về sau người ta không còn đủ đà để vượt qua cái được gọi là
“những chi tiêu lặt vặt (faux frais) của Lịch sử” và người ta cho là chúng
đắt một cách kinh khủng. Còn những hiện tượng thoái lùi, thì lúc đó, chúng
hầu như mang tính chất vĩnh viễn. Những người trẻ tuổi hy vọng thấy xuất
hiện một ngày mai khác: bước thụt lùi có lẽ dẫn tới một bước nhảy vọt về
phía trước. Còn người già, dù có tin tưởng vào tương lai một cách dài hơi,
cũng không mong chứng kiến hiện tượng quay trở lại ấy. Lòng tin của họ
không bảo vệ chống lại những niềm hy vọng hiện tại. Đôi khi, nó bỏ rơi họ
và họ cho là những biến cố không thể vượt qua, phủ nhận toàn bộ cuộc đời
họ. Một trong những nỗi buồn của Casanova, là thấy thế giới cũ mình sống
trong đó bị cách mạng Pháp đánh đổ. Từ trong lâu đài ở Bohême, nơi ông
bị giam giữ, ông lên án Mirabeau là “nhà văn bỉ ổi”.
Một ví dụ nổi bật về loại thất vọng này là trường hợp Anatole France.
Là người xã hội chủ nghĩa theo cách Jaurès, nghĩa là theo chủ nghĩa nhân
văn và theo chủ nghĩa lạc quan, ông hình dung một thế giới tốt đẹp hơn và
công bằng hơn sẽ xuất hiện sớm và không có bạo lực. Năm 1913 − lúc ông
69 tuổi − ông nghĩ là “tất cả các dân tộc trên thế giới sẽ bước tới hòa bình”.