vật đã xây dựng tạo nên một “con người ngoài bản thân họ”, gắn bó với họ.
Một vị giáo sư già lẫn lộn mình làm một với bản giáo trình đồ sộ lặp đi lặp
lại hàng năm, với những chức tước và vinh dự rút ra từ đó: những cuộc cải
cách làm ông khó chịu, chẳng những vì ông không thể thay thế giáo trình
của mình bằng một cuộc đối thoại, mà còn vì nếu như vậy − theo ông nghĩ
− ông sẽ mất hết tất cả những gì tạo nên lý do tồn tại của mình. Cũng như
công việc nghề nghiệp, hoạt động chính trị của người già bị ảnh hưởng của
sức nặng quá khứ. Họ thường không thể hiểu một thời đại quá cách xa buổi
thiếu thời của mình. Họ thiếu những công cụ tinh thần cần thiết. Họ do
cuộc sống của mình tạo nên. Trước những trạng huống bất ngờ, họ không
tìm ra câu giải đáp chính xác. Ân hận đã khăng khăng năm 1940 trong một
thứ chủ nghĩa hòa bình mù quáng, Guéhenno, tuy còn trẻ, viết: “Trong
thâm tâm những người ở lớp tuổi tôi có vô số những kỷ niệm làm người ta
tê liệt”. Ông không nhận ra rằng mấy từ “chiến tranh” và “hòa bình” không
có nghĩa giống nhau năm 1914 và năm 1940: có những kinh nghiệm mà bài
học của chúng đã lạc hậu, có những nguyên tắc trừu tượng cần xem xét lại
một khi hoàn cảnh thay đổi. Cũng như Guéhenno, Alain đã từng là nạn
nhân của những ký ức của mình khi thiên về sự hợp tác; ông bị mối quan
tâm về ý thức hệ kìm giữ, tức là thứ chủ nghĩa hòa bình mà ông từng bênh
vực suốt đời. Bertrand Russell cũng phạm một sai lầm giống như vậy vì
một lý do tương tự; ông đặt sự nghiệp mình từng luôn luôn phục vụ lên trên
hiện thực trước mắt: nhân danh chủ nghĩa hòa bình, ông chủ trương nước
Anh không chống lại chủ nghĩa phát xít.
Trường hợp Jeannette Vermeersch rất có ý nghĩa. Trải qua tất cả
những biến cố xảy ra từ khi bà còn trẻ tuổi cho tới mùa thu 1968, đường lối
của bà không hề thay đổi. Trung thành vô điều kiện với Liên Xô, theo
đường lối của Staline một cách bướng bỉnh, tìm cách kìm hãm ở Pháp,
phong trào “phi − Staline hóa” sau khi Staline qua đời, bà càng ngày càng
xa rời một thế giới đang chuyển động. Trong lúc đảng cộng sản thay đổi
đường lối, bà vẫn bám lấy lập trường cũ của mình. Vào thời kỳ cuộc khủng
hoảng của Tiệp Khắc bà vội vã tán thành những nhà lãnh đạo xô viết, gần