cấp tiến”, mà ông là một trong những thành viên xuất sắc nhất và có uy tín
nhất. Tại Quốc hội, trong các bài viết, ông đấu tranh cho việc thế tục hóa
(sécularisation) nền Cộng hòa, cho tính phi tôn giáo (laicité) của nền giáo
dục, cho tự do ngôn luận, quyền hội họp, một chương trình giáo dục quốc
gia và cải cách kinh tế. Chính đảng của ông có một cương lĩnh xã hội được
coi là rất tiến bộ: đòi hỏi những biện pháp bảo hộ lao động, thừa nhận tư
cách pháp nhân cho các nghiệp đoàn và cải thiện điều kiện cuộc sống công
nhân.
Tài hùng biện của ông làm địch thủ sợ hãi. Ông chống lại chủ nghĩa
thực dân của Jules Ferry; đánh đổ Freycinet, Gambetta, Jules Ferry. Là thủ
lĩnh không thể chối cãi của cánh cực tả, ông được người ta gọi là “người
đánh đổ các nội các”. Ông góp phần đánh đổ phong trào Boulanger (le
boulangisme). Để trả thù, Déroulède tìm cách làm ông liên luỵ tới vụ
Panama. Ông tự bảo vệ mình một cách xuất sắc và trút khỏi mọi điều ngờ
vực. Thậm chí, ghế đại biểu Quốc hội của ông vẫn nguyên vẹn.
52 tuổi, ông bước vào sự nghiệp hóa báo chí. Ông không chỉ quan tâm
tới hoạt động chính trị: ông gặp gỡ các nhà văn, các họa sĩ; say sưa ủng hộ
chủ nghĩa ấn tượng và Rodin. Mặt khác, Jaurès cho rằng trong các bài báo
của ông, “tư tưởng xã hội chủ nghĩa được khẳng định ngày một rõ nét hơn”.
Ông giữ một vai trò trọng yếu trong việc xét lại vụ án Dreyfus.
Được bầu làm thượng nghị sĩ năm 1893, ông ủng hộ Combes chống
lại phái theo chủ nghĩa giáo đoàn (congrégationniste) và bảo vệ đạo luật
phân lập; tuy nhiên, ông đòi hỏi giáo dục tự do. Chủ trương một “chủ nghĩa
xã hội tiệm tiến”, hoạt động của ông bắt đầu chống lại hoạt động của các
nhà xã hội chủ nghĩa đòi hỏi trưng dụng tài sản của giai cấp tư sản, xã hội
hóa triệt để công cụ sản xuất và mậu dịch. Còn ông thì từ chối đấu tranh
giai cấp và mong muốn cải cách theo con đường pháp luật.
Tuy nhiên, trung thành với tinh thần Cách mạng 1848, năm 1882,
trong phong trào đình công của thợ mỏ, ông bênh vực quyền đình công
chống lại các công ty mỏ.