Mười hai năm sau, khi được bổ nhiệm làm bộ trưởng Nội vụ, lập
trường của ông lung lay. Không phải vì ông đã thay đổi, mà vì tình thế đã
đổi thay. Xã hội dân chủ vẫn như xưa trong lúc giai cấp vô sản đông lên
nhiều và nỗi khổ của họ tăng thêm. Kết quả là một tình hình xã hội căng
thẳng đòi hỏi những giải pháp cực đoan. Clémenceau muốn trước hết duy
trì nền trật tự cộng hòa, tức là nền trật tự tư sản. Đình công nổ ra ở Lens và
biến thành bạo động: ông cử quân lính tới bắn vào công nhân, ông tự mệnh
danh bản thân mình là: “Viên cảnh sát thứ nhất của nước Pháp”. Những
người xã hội chủ nghĩa tấn công ông dữ dội: giữa họ và phe cấp tiến, sự
đoạn tuyệt từ nay là hoàn toàn vĩnh viễn.
Clémenceau 65 tuổi khi trở thành thủ tướng năm 1906: quả là ông trở
thành thủ lĩnh đảng Cấp tiến chiếm đa số trong Quốc hội và giờ đây chống
lại các lực lượng tiến bộ. Phong trào nghiệp đoàn công nhân đã mang tính
chất cách mạng. Khắp nơi nổ ra những vụ xung đột dữ dội, và Clémenceau
tìm cách đàn áp gây nên những vụ đàn áp đẫm máu. Năm 1908, ở
Villeneuve-Saint-Georges, theo một nguồn tin chính thức, có bốn công
nhân bị giết và bốn mươi bị thương. Ông kiên quyết phản đối việc thành
lập các nghiệp đoàn viên chức. Những người xã hội chủ nghĩa và đặc biệt
là Jaurès chống lại ông kịch liệt.
Ông trao cho Lyautey toàn quyền chiếm đóng hậu phương của
Casablanca. Nhưng tuy quan tâm tới quốc phòng và cử Foch làm hiệu
trưởng Trường chiến tranh, phái hữu vẫn trách ông ít quan tâm tới phương
diện ấy. Sau khi xảy ra vụ nổ tàu Iéna, Delcassé tố cáo những thiếu sót to
lớn của Hải quân. Nội các bị đánh đổ và Briand lập nội các mới.
Trong giai đoạn lịch sử này của ông, Clémenceau thể hiện rõ điều tôi
vừa nói trên đây: người già nào khăng khăng giữ lập trường cũ của mình thì
trở nên tụt hậu so với thời cuộc. “Chủ nghĩa xã hội” của Clémenceau trở
nên lạc hậu tới mức biến thành một đường lối phản động.
Ông tuyên bố rất hài lòng tìm thấy lại sự tự do của mình và đi diễn
thuyết về nền dân chủ ở Nam Mỹ. Ông tuyên bố: “Tới là người lính của chế