lúc đầu khó chịu, rồi phát khùng lên: “Đi khỏi đây! Đừng bao giờ đặt chân
tới đây nữa”. Lý trí của ông sút kém dần. Ông để cho cô Bourienne, cô
quản gia người Pháp, tán tỉnh. Tính nết ông thất thường, ông ngồi lỳ tám
ngày trong buồng làm việc, rồi quay lại xây dựng, trồng trọt. Ông hờn dỗi
với cô Bourienne, và với cả bà con gái nữa. Ông giả đò không biết tới chiến
tranh. Luôn luôn bận rộn, ông ít ngủ và đêm nào cũng thay đổi buồng ngủ.
Trong lúc quân dịch đã ở trên sông Dniepr, ông vẫn khẳng định chúng
không thể vượt qua Niémen. Càng ngày ông càng không đếm xỉa tới thực
tế. Ông con trai gửi cho ông một lá thư báo động, ông cho là nó báo tin
quân Pháp bại trận. Nhưng rồi ông đọc lại thư, và bỗng nhiên hiểu ra mối
hiểm họa, ông ra lệnh cho bà con gái ra đi; ông nổi cơn thịnh nộ vì bà này
không chịu rời xa ông, mặc dù thâm tâm ông rất lấy làm sung sướng. Khi
quân Pháp đến, ông bận bộ quân phục đẹp nhất, ngực đeo tất cả các thứ
huân chương để đi gặp viên tổng tư lệnh. Nhưng dọc đường bị một cơn cấp
phát và trong ba tuần lễ, bị liệt nửa người bên phải. Ông đau đớn, không
nói được. Lúc đó, ông cảm động trước tấm lòng tận tụy của bà con gái,
vuốt tóc bà và thì thầm: “Cảm ơn con về tất cả”, ông đòi gặp ông con trai
và nhớ lại là ông ta đang tại ngũ. Ông nói nhỏ: “Nước Nga đã mất, họ đã
đánh mất nước Nga”, ông muốn bằng cái từ họ tỏ ra hận thù một thời kỳ
mà ông không thừa nhận là thời kỳ của mình. Ông khóc nức nở. Rồi ông
lấy lại bình tĩnh và một lát sau thì qua đời, để lại trên giường một cái xác
nhỏ bé, co quắp.
Một người già sống mãi: đối với những người khác, đó là một người
chết “chịu án treo”. Nhưng người đó có tự bản thân cho mình là như thế
không? Họ cảm thấy ngày tận số của mình đã đến gần như thế nào?
Bối cảnh xã hội có ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa người già và cái
chết, ở một vài xã hội, toàn thể nhân dân chịu cái chết một cách thờ ơ do
nỗi khốn cùng về sinh lý học hay vì hoàn cảnh khiến người ta chán sống:
trong những trường hợp ấy, cái chết không đặt thành vấn đề cho một ai hết.
Trong những xã hội khác, trong tuổi già, có một nghi thức xung quanh cái