thu xếp đồ chơi của mình lại. Tôi hận thù cái ý nghĩ bỏ đi”. Dù có ý thức về
tuổi tác của mình, người ta vẫn hận thù cái chết chừng nào người ta đang
theo đuổi một sự nghiệp vì nó sẽ tàn phá sự nghiệp này: chẳng hạn như
Renoir, người không bao giờ muốn thôi vẽ và muốn tiến lên.
Có thể trải qua năm tháng, sự ghê tởm này giảm bớt. Lúc đã suy tàn về
thể chất và tinh thần, Swift viết cho Bolingbroke: “Lúc ở tuổi ông, tôi
thường hay nghĩ tới cái chết; nhưng hiện nay, sau một chục năm, ý nghĩ ấy
không bao giờ rời bỏ tôi và làm tôi ít khiếp sợ hơn. Từ đó, tôi kết luận Tạo
hóa làm giảm bớt những nỗi sợ hãi nhưng đồng thời cũng cả sức lực chúng
ta”. Con người bi quan này tỏ ra một tinh thần lạc quan kỳ lạ khi ông giả
định một thế cân bằng như thể trời cho giữa trạng thái sinh lý học và những
nỗi lo âu của chúng ta. Cần tìm kiếm một cách giải thích khác cho sự kiện
mới thoạt nhìn thì có vẻ nghịch lý này; thông thường, cái chết càng tới gần
thì càng làm người ta bớt lo sợ. Freud giả định
rằng năm tháng càng tích
lũy thì nhịp đập của cái chết càng lấn át ý nghĩ muốn sống. Nhưng phần lớn
các nhà tâm phân học rời bỏ quan niệm này. Freud không giải thích mối
quan hệ giữa tuổi tác và nhịp đập của cái chết. Vậy do đâu mà thái độ thờ ơ
với cái chết ngày một tăng thêm theo thời gian?
Thực ra, ý nghĩ cho rằng cái chết đến gần là một ý nghĩ sai lầm. Nó
không gần mà cũng chẳng xa: một định mệnh tất yếu ngoại lai đè nặng lên
người sống ở mọi lứa tuổi; thời điểm nó xảy ra không được xác định ở đâu
hết. Người già biết mình “Chẳng bao lâu nữa” mình sẽ tắt thở: cái định
mệnh ấy hiện diện ở tuổi 70 cũng như ở tuổi 80, và từ ngữ “chẳng bao lâu
nữa” ở tuổi 80 cũng mơ hồ như ở tuổi 70. Nói tới một mối quan hệ với cái
chết là không chính xác: sự thật là người già − cũng như mọi người khác −
chỉ có quan hệ với cuộc sống. Vấn đề được đặt ra, là nguyện vọng sống lâu
của người ta. Có một ngữ đoạn nói đúng điều nó muốn nói: “Chấm dứt
cuộc sống”. Mong muốn hay chấp nhận cái chết có nghĩa một cách tích cực
là: mong muốn chấp nhận việc chấm dứt cuộc sống. Sẽ là bình thường nếu
sự suy sụt vì tuổi tác càng tăng thì cuộc sống càng trở nên khó chịu.