lầm lớn khiến Pháp hoàn toàn bại trận: ông đã khóc khi Foch ký hiệp định
ấy với Đức. Ông hình dung hiệp định đình chiến 1940 cũng đưa nước Đức
tới một tai họa tương tự. Một trong những người thân của ông ghi nhận:
“Hiệp định trước ám ảnh ông”.
Ông luôn luôn nói tới tổ quốc, tới vận mệnh nước Pháp, tới hạnh phúc
của người Pháp; nhưng Weygand nhận xét khi ông ta ký hiệp định đình
chiến − mà người ta nhớ lại những điều khoản nặng nề − người ta nhận
thấy trên gương mặt ông một sự mãn nguyện xảo trá: chính ông là người
được người ta đến tìm để cứu tổ quốc. Ông tưởng trả thù được một cách vẻ
vang những người trước kia bóp nghẹt sự nghiệp của ông, và những người
về sau muốn chia sẻ niềm vinh quang của ông. Những năm tiếp theo, ông
say sưa với những lời phỉnh nịnh, hoan hô, những cái bề ngoài của quyền
lực, tới mức tuyên bố một cách vui vẻ: “Tôi có nhiều quyền lực hơn Louis
XIV”, trong lúc ông nằm trong tay người Đức trực tiếp cai trị một nửa đất
nước. Ít lâu sau, ông nói với bá tước de Paris: “Tôi đổi mới truyền thống
vương quyền. Tôi đi thăm các tỉnh. Người ta tặng tôi quà. Như dưới thời
vương quyền”. Hai năm sau ngày đình chiến, bà Thống chế nói với gia đình
Massis: “Giá ông bà biết từ hai năm nay, ông ấy sung sướng biết chừng
nào!”.
Bonhomme, sĩ quan tùy tùng của ông, nhận xét: “Tính vô cảm vì già
lão của ông tăng thêm. Năm tháng càng trôi qua, tai họa càng đến với ông”.
Khi ông cho thi hành những biện pháp đầu tiên chống người Do Thái,
tướng Mordacq bảo ông: “Thưa ngài Thống chế, ngài làm nhục bộ quân
phục của mình”. − Tôi đ... Cần − ông đáp, trong khi ở miệng ông, chỉ có từ
“danh dự”.
Cũng như nhiều người rất già, có khi ông có những dấu hiệu xúc động
bề ngoài, nhưng thái độ thì không hề biểu lộ. Du Moulin de La Barthète,
chánh văn phòng của ông, kể chuyện “Tôi thấy cái ông già rầu rĩ, vô sỉ và
tàn ác ấy khóc như một đứa trẻ khi được tin sự tuẫn đạo của những người bị
bắn ở Chateaubriand”. Có lúc, ông hiểu mình tự làm mình mất danh dự, và
bảo sẽ tự nộp mình làm phạm nhân. Nhưng ngày hôm sau, lại dễ dàng từ bỏ