ý định ấy. Ông nhỏ một vài giọt nước mắt về số phận của người Alsace −
Lorraine; nhưng khi Robert Schumann đến nói về họ, thì ông cắt ngang:
“Những câu chuyện ấy làm cho công việc tiếp tế và tình hình của nước
Pháp phức tạp lên”.
Ông thường giả vờ điếc, tránh các cuộc đối thoại. Ông có thể hiểu − ít
nhất cũng trong mấy tiếng mỗi ngày − người ta nói gì với mình. Nhưng
giữa trí tuệ và ý chí, mối liên hệ không còn nữa. Bonhomme nói: “Cái đai
truyền đã bị đứt”. Và còn nói thêm: “Ông ta trở thành một con quỷ ích kỷ:
ấy là tuổi tác”.
Những năm cuối cùng của Pétain không có mấy ý nghĩa: ở một mức
suy sút nhất định về tinh thần, thậm chí về thái độ thờ ơ, người ta cũng
không còn có thể nói tới, còn về tham vọng, thì hoàn cảnh không còn sẵn
sàng nữa. Nhưng trong những năm ở Vichy, người ta phát hiện ra, qua một
cái kính phóng đại, sự kinh hoàng và khốn cùng của thứ tham vọng “vẩn
vơ” nhiều người già mắc phải. Họ tìm cách không làm gì hết; mối quan tâm
duy nhất của họ là nhân vật mà họ lẫn lộn mình làm một với nhân vật ấy, và
họ sẵn sàng hy sinh cho nhân vật ấy bất cứ cái gì, ám chỉ cả những giá trị
họ giả vờ tán dương. Mâu thuẫn thật lộ liễu ở Pétain, công cụ đê tiện của
quân Đức nhưng cứ tưởng mình có chủ quyền; chỉ có mấy từ danh dự và tổ
quốc ở cửa miệng, ông tự sỉ nhục mình và phản bội đất nước. Chỉ khăng
khăng biết mình, không chịu nghe tiếng nói người khác, thái độ tự phụ và
tính ích kỷ của ông ta khiến con người đầy tham vọng ấy trở nên nguy hiểm
nếu hoàn cảnh dành cho ít nhiều quyền lực.
Nói chung, người già không có phương sách chống lại cái trống rỗng
trong cuộc sống. Trừ khi cơ thể suy nhược chỉ còn mong muốn nghỉ ngơi,
vị trí của họ trên đời khiến họ phiền muộn. Schopenhauer cho rằng họ
không biết tới phiền muộn vì đối với họ, thời gian trôi quá nhanh. Tuy
nhiên, ông nhắc lại câu nói của Aristote: “Cuộc sống luôn luôn chuyển
động”. Chính bản thân ông khẳng định “hoạt động là cần thiết cho hạnh