vô cảm một cách gớm ghiếc của u sầu”. Thỉnh thoảng ông có cảm giác
không tính mình vào trong số người sống nữa. Ngày 10 tháng mười một
1942, ông viết: “Trong một cảnh bài trí mới, nhưng vẫn một hồi ấy, một vở
kịch ấy tiếp diễn. Đã từ lâu, tôi không còn tồn tại nữa. Chỉ có điều là tôi
chiếm chỗ của một người nào đó mà người ta tưởng nhầm là tôi”.
Mấy từ “cảnh bài trí”, “vở kịch” thể hiện một cảm giác phi hiện thực
hóa (déréalisation), mà ông nhấn mạnh hơn trong đoạn văn sau đây của
Như thế đấy. “Hôm qua, tôi bất chợt thấy mình đang tự hỏi mình hết sức
nghiêm túc là quả thật tôi có còn sống không. Toàn bộ thế giới vẫn ở kia và
tôi nhận ra nó hết sức rõ ràng! Nhưng có phải quả là chính tôi nhận ra nó
không?... Tất cả mọi thứ đều tồn tại và tiếp tục tồn tại không cần có sự giúp
đỡ của tôi. Thế giới hoàn toàn không cần tới tôi. Và tôi vắng mặt trong một
thời gian khá dài”, ở đây, ông miêu tả một kinh nghiệm phi − nhân cách
hóa (dépersonnalisation) tương tự kinh nghiệm người ta quan sát thấy ở
một vài bệnh nhân tâm thần: không còn có gì khiến họ quan tâm hay đòi
hỏi họ, họ không còn có dự định nữa; thế giới đối với họ như một cảnh bài
trí bằng cactông và bản thân họ là những người chết đang sống (mort
vivant).
Còn những người già đang tiếp tục làm việc, thì thường làm việc trên
một cái nền không có hứng thú vì họ có ý thức về giới hạn của mình. Người
ta thấy một vài nghệ sĩ vượt lên trên bản thân họ trong thời cuối đời: bức
tranh Đức bà đau khổ cuối cùng của Michel-Ange là bức đẹp nhất. Nhưng
dù như thế đi nữa, họ vẫn biết bao giờ cũng chỉ làm công trình của mình.
Tình trạng đơn điệu đáng chán ấy làm nảy sinh ở họ một câu hỏi “để làm
gì?” chán ngán. Người ta đọc thấy câu hỏi này trên bức chân dung tự họa
cuối cùng của Rembrandt. Trong lúc tiếp tục khắc tượng, Michel-Ange lúc
già nhìn tác phẩm của ông với những con mắt thất vọng. Ông gọi các bức
tượng của mình là những “con rối”.
Verdi soạn không hoan hỉ những vở nhạc kịch cuối cùng của ông, tuy
là những vở thành công nhất. “Mùi hương buồn bã phảng phất trong lòng
sau mọi thành tựu, là điều những nhà sáng tạo đặc biệt nhạy cảm trong tuổi