Chateaubriand, nghĩa là tôi cảm thấy cái cảm giác buồn bã ấy thể hiện rõ ở
họ biết chừng nào”. Một người sau khi đã có một quyền hành nào đấy, khó
lòng có thể nhẫn nhục để nó mất đi. Churchill đã từng khăng khăng bám
lấy quyền lực; Pétain thích một quyền lực giả vờ hơn là danh dự. 58 tuổi,
Virginia Woolf, ngày 29 tháng chạp 1940, ghi Nhật ký: “Tôi ghét sự khắc
nghiệt của tuổi già. Tôi cảm thấy nó đến gần. Tôi xót xa”.
Sự bất bình có thể đẩy lên tới độ phản kháng, chẳng hạn như ở
Ionesco: “Làm sao tôi có thể chấp nhận tình hình này? Làm sao có thể chịu
nổi cuộc sống khi ngày tháng đè nặng lên chúng ta như một chốn địa ngục?
Không sao có thể chấp nhận nổi. Phải vùng dậy thôi”.
Và ở cả Leiris: “Trong thâm tâm tôi, có một cái gì đó bị phá hủy và tôi
không thể hy vọng xây dựng lại: cái tuổi già vốn luôn luôn làm tôi khiếp
hãi, rốt cuộc lại trở thành hiện thực, và cuộc khủng hoảng, đi qua nhanh
cũng như khi ập tới chiếm đoạt mình, sẽ là cuộc chiến đấu danh dự của tôi
chống lại nó, mỗi ngày tôi mỗi thấy rõ điều ấy”.
Cuộc chiến đấu chỉ là vô bổ; rốt cuộc, người ta đành phải chấp nhận,
tuy không phải là không luyến tiếc. Phần lớn người già chìm đắm trong
cảnh âu sầu. Aristote đã từng nhận xét: “Họ không còn biết cười nữa”. Bác
sĩ Baumgartner ghi nhận: “Một trong những đặc điểm thường trực nhất và
rõ rệt nhất trên bình diện tâm thần của con người trên con đường già lão,
chắc hẳn là hiện tượng mất đi sự vui vẻ”. Sau tuổi 60, Casanova viết trong
một bức thư: “Về tập Hồi ký của mình, tôi nghĩ là sẽ để nguyên nó đây, vì
từ tuổi 50, tôi chỉ có thể nói tới cái buồn, và cái đó làm tôi buồn bã”.
Ballanche viết: “Bà Récamier tiếp tục thấy hoàn cảnh buồn bã, ông de
Chateaubriand cũng buồn bã. Và Ampère cũng vậy... Nỗi buồn xâm chiếm
tôi”.
Trong Nhật ký của Edmond de Goncourt, tuy ông ít nói tới bản thân
mình, nhưng vẫn toát lên một nỗi buồn sâu sắc. Ngày 17 tháng sáu 1890,
ông viết: “Sức nặng của tuổi già, cảm giác về những thương tật, giữa lúc
bạn bè xa vắng, khiến tâm hồn tôi âu sầu”.