Trong những năm cuối đời, trong Nhật ký, và nhất là trong thư từ,
Gide cố làm ra vui vẻ. Nhưng ngày 1 tháng bảy 1919, từ Saint-Paul-de-
Vence, ông tâm sự với Martin du Gard: “Mình vừa trải qua mấy ngày sầu
não khủng khiếp, do một cái gì đó mình không rõ ở con tim đang yếu đi, do
bầu không khí khó thở (đối với mình) ở những nơi này, do nỗi cô đơn của
mình (Pierre và Claude đi vắng ba hôm bằng ôtô), do vô công rồi nghề”.
Ngày 15 tháng sáu 1950, từ Sorente, ông viết: “Mặc dù Catherine và
Jean Lambert có mặt, mặc dù trời rất đẹp, cuộc du lịch tuyệt vời, tình hình
sức khỏe hầu như hoàn hảo, mình vẫn vừa trải qua mấy ngày liền buồn bã
nhất trong đời mình. Mình chưa ra khỏi hầm ngầm, nhưng ít nhất cũng đã
hé thấy ngày giải phóng”.
Ngày 11 tháng bảy 1950: “Than ôi! Ăn không còn ngon miệng nữa,
với những gì khác nữa và tính hiếu kỳ. Tôi không biết từ đâu, từ phương
trời nào, mình có thể mong chờ niềm vui đích thực, sâu xa và bền vững
nào”.
Một thiếu phụ viết thư cho tôi khi nói về thân phụ nàng: “70 tuổi ông
chỉ đau những nỗi đau không đáng kể, phần lớn là bệnh tưởng. Ông buồn,
càng ngày càng buồn nhiều. Ông đọc sách một cách buồn bã, như chỉ lướt
qua, ông nghe chúng tôi nói một cách buồn bã, ông cười một cách buồn bã.
Hôm nọ, ông huýt sáo miệng trong phòng ngủ và dừng lại đột ngột. Chắc
hẳn, ông tự hỏi: Để làm gì?”.
Nỗi buồn của người già không phải do một biến cố hay những hoàn
cảnh đặc biệt gây nên: nó lẫn lộn làm một với nỗi u sầu giày vò họ, với cảm
giác xót xa và tủi nhục thấy mình vô tích sự, thấy mình cô đơn trong lòng
một thế giới thờ ơ đối với mình.
Sự suy sút vì tuổi già không chỉ khó chịu đựng một cách tự thân, mà
còn khiến người già gặp nguy hiểm trên đường đời. Như chúng ta thấy,
người già sống leo lắt bên bờ vực bệnh tật, bờ vực cảnh khốn cùng. Họ có
một cảm giác bất an khủng khiếp mà cảnh bất lực càng làm thêm nặng nề.