Những ai sống bị động đều phải chịu cảnh u sầu. Người phụ nữ không
hoạt động không thể thoát khỏi cảnh ấy. Và người già cũng vậy; họ âm
thầm chịu đựng những mối hiểm họa mà họ không có cách khắc phục. Dù
không có một mối đe dọa nào, họ vẫn lo sợ khi biết mình “bị tước vũ khí”:
sự yên ổn họ vốn được hưởng nay tỏ ra bấp bênh; tương lai nặng trĩu những
nguy cơ đáng sợ, vì họ không còn làm chủ nó nữa. Mối tai họa ập xuống
đầu họ, là ở chỗ họ chuyển đột ngột từ trạng thái người trưởng thành có
trách nhiệm sang trạng thái một đối tượng phụ thuộc. Sự phụ thuộc này,
khiến họ phó mặc cho người khác muốn làm gì thì làm, và họ cảm nhận sự
phụ thuộc ấy, ngay trong những lúc nó vắng bóng.
Khi bà ngoại tôi bằng lòng tới ở với bố mẹ tôi vì già yếu, có phần bị
bại liệt, cụ trở nên ngờ vực, ít nhiều xảo trá. Cụ cho sự có mặt của mình
làm phiền bố tôi. Cụ không thiếu thốn một thứ gì hết; nhưng cụ giấu vào tủ
và những chỗ cất giấu khác những mẩu bánh mỳ, bánh quy mà cụ nhấm
nháp một cách giấu lén.
Người già luôn luôn cảnh giác kể cả khi hết sức an toàn vì không tin
cậy người lớn: trạng thái phụ thuộc khiến họ ngờ vực. Họ biết là con cái, bè
bạn, cháu chắt giúp họ sống − về mặt tài chính, hay bằng cách chăm sóc họ,
hay nuôi dưỡng họ − có thể khước từ, hay hạn chế những sự giúp đỡ ấy; có
thể bỏ rơi họ hay muốn làm gì họ thì làm: buộc họ phải thay đổi chỗ ở,
chẳng hạn, là một trong những nỗi lo sợ của họ. Họ biết tính giả dối của
người lớn. Họ sợ người ta giúp đỡ họ nhân danh một thứ đạo lý ước lệ
không bao hàm tôn trọng hay yêu thương; họ nghĩ là chỉ được đối xử theo
những đòi hỏi của dư luận. Những nỗi bất hạnh người già lo sợ − bệnh tật,
bại liệt, đời sống đắt đỏ − càng thêm đáng sợ khi chúng có thể kéo theo
những sự thay đổi bất lợi trong cách xử sự của người khác. Chẳng những
không hy vọng sự sa sút tự nhiên tất yếu của mình được hành vi của người
thân kìm hãm hay bù đắp, mà họ còn nghi ngờ những người này thúc đẩy
nó: chẳng hạn, nếu họ trở nên tàn tật, thì bị người thân đưa vào dưỡng
đường.