khi về già, ông sùng bái nó, coi nó là thiêng liêng. Tolstoï lúc già tổ chức
hết sức chặt chẽ ngày giờ của mình. Một cách nghịch lý thói quen cần thiết
đối với những người nhàn rỗi hơn là đối với những người hoạt động: nếu
không muốn đắm chìm trong cảnh tù hãm èo uột của ngày tháng, những
người này phải có một thời khóa biểu chặt chẽ. Cuộc sống lúc ấy đối với họ
hầu như mang tính chất một nhu cầu. Người già thoát khỏi cảnh nhàn rỗi
quá mức đến nản lòng bằng cách đặt cho mình những nhiệm vụ, những đòi
hỏi thể hiện ra dưới dạng những nghĩa vụ; như thế, họ tránh được, không
phải tự đặt cho mình câu hỏi đáng sợ: làm gì? Lúc nào họ cũng có việc để
làm. Tôi còn nhớ ông nội tôi đã sắp đặt công việc ra sao: đọc báo, kiểm tra
những gốc hồng, ăn cơm, ngủ trưa, dạo chơi, theo một trật tự bất di bất
dịch.
Đời sống tâm thần càng suy sút bao nhiêu thì vai trò của thói quen,
dưới hai hình thức tự động và nếp cũ càng cần thiết đối với người già bấy
nhiêu. Nó có thể cùng với những thứ khác bổ khuyết những thiếu sót của trí
nhớ. Người ta
đã miêu tả chi tiết trường hợp một phụ nữ hầu như đã
hoàn toàn mất trí nhớ nhưng lại xử sự một cách thích hợp. Bà không nhận
ra người ta, nhưng lại có ý thức về tầng lớp xã hội của họ và có thái độ ứng
xử khác nhau đối với nữ y tá, thầy thuốc, người nội trợ, những người khách
trọ khác. Bà biết mình đã mất trí nhớ và bực tức nếu người ta muốn bà gợi
lại ký ức, nhưng phán đoán của bà vẫn sáng suốt, bà có thể phân tích, bà
sẵn sàng vui đùa... Bà sống trong một hiện tại vĩnh viễn, không có quá khứ
lẫn tương lai.
Những sự lắp ghép và nếp cũ chỉ có thể hoạt động nếu thế giới bên
ngoài được sắp đặt chính xác và không đặt ra một vấn đề nào: mỗi cái phải
ở đúng chỗ của nó, mỗi sự kiện phải xảy ra vào đúng giờ của nó. Chính có
phần vì vậy mà một tí mất trật tự cũng làm người già bực tức một cách
tưởng chừng bệnh hoạn. Và như vậy cũng vì cái bình phong nghi thức và
tục lệ người già ẩn phía sau đó đảm bảo cho họ một mức an toàn tối thiểu:
nếu người khác vi phạm một trong những quy tắc ấy, thì không biết họ sẽ
nổi giận tới đâu. Những thói quen tự vệ cũng ít nhiều mang tính chất gây