trong đời, khi quyết định không hút thuốc lá nữa: “Có-thể-bị-cái-tôi-hút-
thuốc-bắt-gặp: đó là tính chất cụ thể bao trùm một cách phổ quát lên sự vật.
Tôi có cảm giác sắp tước đoạt tính chất ấy của chúng, và giữa tình trạng
nghèo đói đi một cách phổ quát này, thì người ta bớt đáng sống đi chút ít”.
Hơn bất kỳ một ai khác, người già coi trọng thói quen: lẫn lộn làm một quá
khứ, hiện tại và tương lai, thói quen dứt ra khỏi thời gian vốn là kẻ thù của
họ, tạo cho họ cái vĩnh hằng mà họ không còn gặp trong khoảnh khắc nữa.
Vì thói quen tạo cho thế giới một tính chất nhất định, cho sự trôi qua
của thời gian một thứ quyến rũ nhất định, nên ở mọi lứa tuổi, người ta như
mất đi một cái gì đó khi từ bỏ một thói quen. Nhưng khi còn trẻ, người ta
không tự đánh mất mình vì đặt con người mình trong tương lai, trong việc
thực hiện các dự định của mình. Còn người già sợ đổi thay, vì sợ không biết
thích nghi với nó, họ không thấy đó là một cách mở ra một hướng cho
tương lai, mà chỉ cho đó là một sự đoạn tuyệt với quá khứ. Vì không làm gì
hết, họ đồng nhất hóa mình với khung cảnh và nhịp điệu cuộc sống của
mình trước kia: thoát ra khỏi chúng tức là tự đoạn tuyệt với bản thân con
người mình. Flaubert viết cho Caroline: “Về già, thói quen trở nên độc
đoán mà con không thể có khái niệm đâu, con gái tội nghiệp của bố ạ. Tất
cả những gì trôi qua, tất cả những gì rời bỏ chúng ta đều không thể đổi
thay, và người ta cảm thấy cái chết đang tiến về phía mình”.
Vì vậy, thói quen bảo đảm cho người già một thứ an toàn về mặt bản
thể luận (sécurité ontologique). Qua thói quen, họ biết mình là ai. Nó bảo
vệ họ chống lại những nỗi lo âu mơ hồ, bảo đảm với họ là ngày mai sẽ lặp
lại ngày hôm nay. Duy chỉ có điều là cái cơ cấu mà họ đem đối lập với cái
võ đoán của người khác và với những điều nguy hiểm mà cái võ đoán ấy
gây nên trên đời, chính bản thân cơ cấu ấy cũng có thể gặp tai họa trên đời
vì nó phụ thuộc vào nguyện vọng những người khác. Vì nó bảo vệ người
già chống lại nỗi lo sợ, nên thói quen trở thành đối tượng mà mọi nỗi lo sợ
tập trung vào đấy: nghĩ tới việc phải bỏ thói quen, người già cảm thấy “cái
chết đang tiến tới phía mình”.