hạn, hoàng thân già Bolkonski trở thành một bạo chúa trong gia đình.
Chẳng hạn, nhân vật của Tanizaki có một niềm vui thích ác ý khi từ chối
không cho con gái tiền: rơi vào trạng thái bị phụ thuộc vào mặt cơ thể, ông
ta trả thù bằng cách chỉ cho người ta thấy rằng người thân phải phụ thuộc
mình về mặt kinh tế. Một người vốn luôn luôn rầu rĩ thì trong những năm
cuối thường tỏ ra rất khó chịu. Chateaubriand đã cố tình có thái độ ấy với
bà Récamier.
Wagner không cam chịu cảnh già, cảm thấy nó như một điều nhục
nhã. Ông trút bực tức lên Cosima, trách móc bà về tình yêu thương, chăm
sóc Litz, ông bố già của bà; ông có những cơn giận dữ khiến bà phải phát
khóc.
Tuy nhiên, chủ yếu gây nên giận dữ hay oán hờn cho người già là
những thế hệ đang lớn lên, vì họ cảm thấy bị chúng tước đoạt; thích tiên
đoán cho chúng một tương lai đầy tai ương. Năm 1828, nói với Eckermann
về nhân loại, Goethe bảo: “Tôi thấy đã đến thời kỳ Chúa không còn tìm
thấy niềm vui ở nhân loại, và Chúa sẽ lại phải một lần nữa thủ tiêu hết tất
cả để tạo lập một vũ trụ được hồi xuân”. Ông cho nền văn học đương thời
của Pháp là một nền “văn học của sự thất vọng”. Sau 1830, ông tiên đoán
một kỷ nguyên man rợ, và thậm chí năm 1931, ít lâu trước khi qua đời,
viết: “Một học thuyết mơ hồ, mở đầu cho một sự náo động mơ hồ, đang chỉ
đạo thế giới”.
Saint-Évremond đã nói tới khuynh hướng của người già khép kín
mình lại đối với thời đại và cho tình trạng dốt nát của mình là một ưu thế.
“Hình như vì sống lâu, họ không còn biết cách sống giữa loài người nữa...
Họ cho mọi việc họ làm đều là chuyện đức độ; cho tất cả những gì họ
không thể làm, đều là tội lỗi... Từ đó nẩy sinh tình trạng họ cho mình có cái
quyền tối thượng kiểm duyệt hết mọi thứ”. Alain nhận xét: “Rõ ràng là
người già ca tụng tuổi thanh xuân của mình và phê phán mọi thứ xung
quanh mình”.