Chính vì thế mà, khép mình vào quá khứ, Edmond de Goncourt oán
giận thời đại mình: “Không còn có gì trong báo chí nữa”. Ngày 7 tháng tư
1895, ông ghi Nhật ký: “Ôi! Cái thời đại này! − một sự điên rồ trong cảm
hứng, Mallarmé, Villiers de l’Isle-Adam, những con người vĩ đại thời thanh
niên! Và ngày 31 tháng ba 1896, ông viết tiếp: “Khía cạnh cổ lỗ, ra chiều
mô phạm, giáo huấn của những tờ tạp chí trẻ và cảm hứng phi lý, cuồng tín
của những nền văn học nước ngoài!”.
Vào đầu Đại chiến 1, Rodin − mà một cơn cấp phát nhẹ vừa gây ảnh
hưởng tới sức khỏe − nói với Judith Claudel: “Chúng ta đang ở trong một
thời kỳ hoàn toàn suy đồi; chiến tranh đánh dấu trạng thái tinh thần hiện tại;
đây là thời kỳ man rợ; sự dốt nát thống trị và những người phục chế, giết
chết nền điêu khắc... Châu Âu đã cáo chung... Nó sẽ trở thành như châu Á”.
Những định kiến ấy có thể làm người ta bực mình Nhưng phải thông
cảm với chúng. Bị bỏ quên, bị các thế hệ mới không tôn trọng, người già
không thừa nhận những người đánh giá mình, trong hiện tại, và cho tới tận
cả trong tương lai.
Ức hiếp, truy hại người khác, tiên đoán những tai họa; những thứ ấy
chỉ thuộc về một thiểu số có uy tín nhất định. Phần lớn người ta không có
một quyền uy nào. Chính họ là những người bị ức hiếp, bị truy hại, bị nhạo
báng. Dù có ứng xử đúng đắn đối với họ, người ta cũng xem họ là khách
thể, chứ không phải là chủ thể. Người ta không hỏi ý kiến họ, không đếm
xỉa tới những gì họ nói. Họ cảm thấy có nguy hiểm trong những ánh mắt
đặt lên người họ. Bác sĩ Johnson nói với Boswel: “Người ta có xu hướng
sai lầm là giả định người già không còn có thể sử dựng trọn vẹn năng lực
của họ nữa. Nếu một thanh niên lúc rời chỗ họp không còn nhớ nổi mình bỏ
quên chiếc mũ, thì việc đó chẳng sao và chỉ khiến người ta cười. Nhưng
nếu một người già cũng đãng trí như vậy, thì người ta nhún vai và bảo:
“Ông ấy mất trí rồi”.