vậy cũng chẳng cứu rỗi được linh hồn, vậy tại sao tôi không tự cứu bằng
cách chết trong hai phút giữa đống lửa? Liệu một bà già tự giết mình có
chấm dứt được những điều dối trá hay không? Có thay đổi được cuộc sống
của ai không và thay đổi như thế nào? Thỉnh thoảng tôi nghĩ đến Florence.
Nếu Florence qua đây, dắt Hope và cõng Beauty trên lưng, liệu cô ta có xúc
động trước cảnh này không? Cô ta có thèm nghĩ đến tôi không? Sẽ chỉ như
người tung hứng ở rạp xiếc, như tay hề, như người mua vui. Florence sẽ
nghĩ tôi không phải là người đứng đắn. Rồi cô ta bỏ đi.
Nhìn mắt Florence ai mà tin được cái chết ấy có thật? Cái gì được cô ta
chấp nhận? Trả lời: cái chết suy tôn cuộc sống của một người lao động
đáng kính, hoặc cứ lẳng lặng mà chết, không cưỡng lại được, cũng không
công bố, sẽ chỉ như một tiếng sấm hay viên đạn bắn vào giữa trán.
Florence là người phán xét. Đàng sau đôi mắt kính, cô ta bình tĩnh xét đoán
được tất cả. Cái bình tĩnh này cũng đã truyền sang các con gái. Florence là
toà án. Tôi là người bị đưa ra xử. Nếu cuộc sống của tôi là cuộc sống phải
đưa ra xét xử, đó là vì suốt mười năm tôi đã bị xét xử ở toà án Florence.
- Bà có Dettol không?
Tôi đang ngồi viết trong bếp. Cậu ta lên tiếng làm tôi giật mình.
- Lên gác, trong phòng tắm, cửa bên phải. Tìm ở tủ thuốc dưới bồn ấy.
Cậu ta lục lọi một lúc rồi xuống nhà. Băng quấn trên đầu đã tháo hết. Tôi
ngạc nhiên thấy vết khâu vẫn còn.
- Họ không tháo chỉ à?
Cậu ta lắc đầu.
- Nhưng cậu rời bệnh viện từ bao giờ?
- Hôm qua. Hôm kia.
Tại sao phải nói dối thế?
- Sao cậu không nằm lại cho họ chăm sóc?
Không trả lời.
- Cậu phải che vết thương ấy đi, nếu không sẽ nhiễm trùng rồi thành
sẹo đấy.
Chỗ đó sẽ thành vết suốt đời, như bị ai quất vào trán vậy. Để làm kỷ niệm
chăng?