tên. Anh ta nhìn thấy mẹ qua tấm gương. Mẹ vặn nhỏ tiếng đủ nghe, dù
không nghe rõ lời cũng nghe được những tiết tấu Phi châu nện huỳnh
huỵch xuống đất như tiếng búa. Anh ta với mẹ cùng nghe. Nỗi nhục của
cuộc sống ở đây, dưới quyền họ, là mỗi khi mở tờ báo hay mở ti vi chẳng
khác nào như quỳ xuống để họ đái lên mình. Sống dưới quyền họ là sống
dưới những bụng phệ, những bọng đái của họ. Đã có lúc mẹ nhủ thầm
""Các người sắp đến ngày tận số rồi!". Vậy mà đến tận bây giờ họ vẫn còn
sống nhăn, sống lâu hơn mẹ.
Mẹ chuẩn bị đi mua hàng. Vừa mở cửa nhà xe thì mẹ lên cơn đau. Cơn đau
giống như một con chó nhảy đến cắn vào lưng. Mẹ kêu lên, không cử động
được nữa. Anh ta ở đâu xuất hiện và đưa mẹ vào nhà.
Mẹ nằm nghiêng trên ghế dài. Phải nằm nghiêng như thế mới đỡ đau. Anh
ta đứng chờ. Mẹ bảo "Anh ngồi xuống đi…" Anh ta ngồi xuống. Cơn đau
bắt đầu giảm. Mẹ nói "Tôi bị ung thư. Bệnh đã ăn vào xương tuỷ nên mới
đau thế".
Không chắc anh ta hiểu mẹ nói gì.
Im lặng một lúc. Rồi anh ta lên tiếng "Nhà này rộng lắm. Bà có thể cho ở
trọ được đấy".
Mẹ làm ra vẻ mệt mỏi.
Anh ta nói tiếp "Bà có thể cho sinh viên thuê phòng".
Mẹ ngáp, tưởng như răng sắp rụng hết, phải đưa tay che miệng. Nếu là
trước kia thì mẹ đã thấy ngượng. Bây giờ mẹ không ngượng nữa.
Mẹ nói "Tôi có một cô giúp việc. Cô ta đi thăm bà con đến cuối tháng mới
về. Anh có bà con gì không?"
Nói lạ! Có bà con là thế nào? Tôi có bà con không? Anh có phải là bà con
của tôi không? Không đâu. Có lẽ chỉ Florence mới đủ tư cách để nói cô ta
có bà con.
Anh ta không đáp. Có vẻ như anh ta không có con, không có con ở đời này,
mà cũng không có cả tuổi trẻ trong quá khứ nữa. Mặt anh ta xương xẩu, da
sần sùi. Nếu nhìn vào đầu con rắn không thể hình dung nó già hay trẻ, thì
cũng không thể thấy được bóng dáng một đứa trẻ đàng sau khuôn mặt anh
ta. Mắt anh ta xanh lè như mắt động vật, đâu có thể nhìn vào đôi mắt ấy mà