Tôi hỏi "Mẹ nó đấy à?"
"Bà ngoại nó".
Tôi gọi cho bệnh viện Woodstock, tôi nói "Tôi có hỏi tên nó được đâu. Nó
bị hôn mê lúc họ đem nó đi".
Người kia đáp "Không có bệnh nhân nào có tên ấy".
"Nó bị một vết thương rất to ở trán".
Người kia nhắc lại "Không có". Tôi bỏ máy.
Bheki nói "Họ làm việc cho cảnh sát đấy. Xe cứu thương, bác sĩ, cảnh sát,
tất cả đều một giuộc".
"Thế thì vô lý" tôi nói.
Chẳng ai tin vào xe cứu thương nữa đâu. Họ có bắt đài liên lạc với cảnh sát.
Vô lý.
Nó mỉm cười dễ thương, có vẻ như khoái với cơ hội lên lớp cho tôi, để tôi
biết sự thật ở đời thường là như thế nào. Tôi, một bà già sống cô đơn,
không con cái, chẳng còn biết gì. Nó bảo "Đúng thế đấy. Bà cứ nghe rồi sẽ
biết".
- Tại sao cảnh sát lại đuổi theo các cậu?
- Họ không đuổi theo tôi. Họ đuổi theo tất cả mọi người. Tôi chẳng
làm gì hết. Nhưng thấy bất cứ ai họ cũng cho đó là học sinh, tìm cách bắt
bớ. Chúng tôi chẳng làm gì hết. Chúng tôi chỉ bảo là không đi học vì họ
đang tiến hành khủng bố chúng tôi. Ho đúng là quân khủng bố.
- Tại sao các cậu không chịu đi học?
- Học để làm gì? Để chúng tôi thích hợp với chế độ apacthai ư?
Tôi lắc đầu, quay sang Florence. Cô ta không che dấu một nụ cười. Con cô
ta đúng. Dù sao cũng mặc nó. Tôi bảo "Tôi đã quá già ốm với chuyện này
rồi. Tôi không thể tin là cô để con cô lang thang ngoài phố, chờ cho đến khi
kết thúc chế độ apacthai. Apacthai không thể chết ngay ngày mai hay ngày
kia đâu. Nó làm thế chỉ hại cho tương lai của nó thôi".
Bheki hỏi với giọng thách thức tôi, ra vẻ thắng thế "Phải tiêu diệt chế độ
apacthai, hay tôi phải đi học thì cái nào quan trọng hơn?"
Tôi chán ngán trả lời "Không thể lựa chọn như thế". Nhưng tôi có đúng
không nhỉ? Nếu không lựa chọn thế, thì lựa chọn cái gì đây? Tôi đề nghị