Cặp mắt ti hí nhìn tôi hỏi "Bà định làm thế thật ư?"
- Nếu tôi có đủ can đảm.
- Nhưng tại sao? Để làm gì chứ?
Với cái nhìn ấy, tôi khó mà trả lời rõ ràng. Tôi nhắm mắt, hình dung chiếc
xe của tôi phóng nhanh, nhả khói ở phía sau, chạy dọc con đường qua đám
du khách, người đi bộ, những cặp tình nhân, qua bảo tàng, phòng triển lãm
tranh, qua vườn bách thảo, rồi đi chậm lại và đỗ hẳn trước ngôi nhà nhục
nhã đang cháy rụi.
Tôi nói "Bây giờ ta có thể quay về. Tôi chỉ muốn xem có thể làm như thế
được không thôi".
Anh ta vào nhà. Tôi mời anh ta uống trà. Con chó nằm dưới chân, vểnh tai
nghe chúng tôi nói chuyện. Con chó thật ngoan. Nó có mặt lúc này như một
ngôi sao vậy.
Tôi nói "Vừa rồi anh hỏi "để làm gì", tôi xin trả lời, điều ấy liên quan đến
cái sống của tôi. Làm gì với cái sống đó là chuyện không đáng kể nữa. Tôi
chỉ định thử xem làm như thế thì được gì".
Anh ta vuốt ve con chó. Nó nhắm mắt nằm yên. Tôi nghĩ bụng đó là tình
yêu, dù không hẳn thế thì điều tôi chứng kiến đó cũng là tình yêu.
Tôi nói tiếp "Có một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nói về một người đàn bà bị
buộc tội ngoại tình – xưa kia ngoại tình bị coi là tội ác – họ đem bêu chị ta
trước công chúng với chữ A (Adultery – ngoại tình) khâu trên áo. Chị ta
mặc áo có chữ A mà không ai hiểu chữ ấy là thế nào. Rồi người ta quên đi,
chẳng ai hỏi nữa. Đó chỉ là thứ đeo vào người như chiếc nhẫn hay ghim hoa
cài trên áo thôi. Rồi nó trở thành thứ mốt thời trang, viết chữ lên áo. Trong
tiểu thuyết không nói thế".
"Ai mà biết được người ta muốn nói lên cái gì trong những cuộc trình diễn
trước công chúng, những cuộc biểu thị như vậy? – đây mới là mấu chốt của
câu chuyện. Chẳng hạn một bà già tự thiêu. Tại sao thế? Bà ta bị điên ư? Bà
ta thất vọng ư? Bà ta bị ung thư chăng? Tôi đã nghĩ đến việc viết chữ gì đó
lên xe để giải thích. Nhưng viết chữ gì? A hay B hay C? Trường hợp của
tôi thì viết chữ gì? Mà việc gì phải giải thích chứ? Chuyện riêng của tôi thì
có dính gì đến ai đâu?"