Tết đã đến.
Các chợ Ải Khẩu, chợ Lũng Vài bên Trung Quốc hay chợ Nà Sầm, chợ
Đồng Đăng, chợ Kỳ Lừa bên này, đã thấy người các làng về sắm Tết, chơi
Tết đông hơn phiên chợ thường. Lại thấy về từng bọn trai gái ngồi trong
các cầu hát đối hết đêm đến sáng, hát sang suốt cả ngày chợ. Cái vui cái lo
của con người cứ chen lấn, quấn quýt cùng về với nhau khi năm hết Tết
đến.
Tết đã đến.
Vào dạo áp Tết mỗi năm, trên những chuyến tàu đường Lạng Sơn, người
sẵn tiền hay về xuôi sắm Tết đông. Thoạt nom cũng biết ngay người thị trấn
đường ngược. Thanh niên đi giày tây gan gà có cổ, áo lương hay dạ Mông
Tự, đầu chít khăn lượt mốt mới, khá thịnh hành. Người đứng tuổi thì giày
ban, giày Gia Định, dưới mũi để lún phún cụm ria Hoa Kỳ. Có người xốc
vác và mới hơn nữa, mặc bộ tây ka-ki vàng, như tay thầu khoán hoặc nhà
đoan. Mấy năm nay đời sống thành thị tràn ngập mọi nơi, chỉ xem cách ăn
mặc của người ta, khó phân biệt xuôi hay ngược.
Thế vậy. Trên những con tàu xuôi ngược, ai mà biết người xuôi lên hay
người Lạng Sơn xuống. Tuy nhiên, nếu để ý kĩ, dù áo quần tương tự vậy,
nhưng vẻ lặng lẽ và trầm ngâm ở một số người, cũng dễ thấy là lạ. Thường,
những người ấy ngồi yên một chỗ, nhưng cứ ở đầu hay cuối toa, trên con
tàu chật ních. Con mắt nhìn thoáng, rất nhanh. Có khi đeo kính rợp. Những
người vẻ tương tự thế chỉ thỉnh thoảng gặp trên tàu Lạng Sơn. Tuy nhiên,
cái đó cũng bình thường. Người buôn các nơi đến Lạng Sơn và ra cửa khẩu
cũng nhiều.
Bấv giờ đương vào quãng một nghìn chín trăm hai mươi bảy (1927). Đất
nước lại trải những cơn bồng bột mới. Tiếng bom Sa Diện cứ vọng lại như
hòn đá ném xuống nước, vòng sóng động xa đi mãi, càng làm cho những
người thanh niên băn khoăn và thấy con đường cứu nước đương mở ra ở
khắp nơi. Họ càng cảm nỗi đau mất nước và cảnh nhục nhã chịu sự đàn áp
của thằng Tây và vua quan giày vò bao nhiêu thì lại càng khó thở trước
cuộc sống bé nhỏ và thảm hại, đầy vướng mắc, đè nặng. Các thế hệ tuổi trẻ