máy nhỏ. Trong khuôn khổ một chương trình truyền hình của mình, tôi có mặt tại
cuộc thi, theo dõi bước tiến của một nhóm kỹ sư trẻ tin rằng thang máy vũ trụ sẽ
mở cánh cửa lên bầu trời cho người dân bình thường. Tôi chứng kiến họ dùng tia
laser đưa một khoang nhỏ lên dọc dây cáp dài. Show truyền hình của chúng tôi
hướng tới khơi gợi nhiệt huyết xây dựng tương lai ở thế hệ kỹ sư-doanh nhân
mới.
Thang máy vũ trụ sẽ tạo ra cách mạng trong công cuộc tiếp cận không gian mà
trước giờ vốn chỉ là địa hạt độc quyền của giới phi hành gia và phi công quân sự,
giờ sẽ trở thành sân chơi cho trẻ em và các gia đình. Nó cung cấp cách tiếp cận
mới và hiệu quả đối với du hành không gian cũng như ngành công nghiệp không
gian, tạo điều kiện cho việc lắp ráp máy móc phức tạp ngoài không gian, bao
gồm cả tàu liên sao với tốc độ tiệm cận ánh sáng.
Nhưng xét tình hình thực tế, với rất nhiều khó khăn kỹ thuật lớn trước mắt, thang
máy vũ trụ sẽ chưa trở thành hiện thực cho đến tận cuối thế kỷ này.
Đương nhiên, với sự hiếu kỳ và những tham vọng sẵn có bên trong con người, ta
rồi sẽ vượt qua cả tên lửa nhiệt hạch và tên lửa phản vật chất để đối mặt với thử
thách lớn nhất. Rất có thể một ngày nào đó, ta sẽ phá vỡ giới hạn cao nhất của vũ
trụ về tốc độ: tốc độ ánh sáng.
BẺ CONG KHÔNG-THỜI GIAN
Ngày nọ, có cậu bé đọc một cuốn sách thiếu nhi và làm thay đổi lịch sử thế giới.
Khi đó là năm 1895, các thành phố bắt đầu được mắc đường dây điện. Để tìm
hiểu hiện tượng mới lạ này, cậu bé tìm đọc cuốn Popular Books on Natural
Science (Những cuốn sách phổ biến về khoa học tự nhiên) của Aaron Bernstein.
Trong sách, Bernstein khơi gợi độc giả tưởng tượng mình đang chạy cùng dòng
điện bên trong đường dây điện tín. Cậu tự hỏi sẽ ra sao nếu thay dòng điện bằng
tia sáng. Liệu ta có thể chạy nhanh hơn ánh sáng? Cậu lý luận rằng ánh sáng là
sóng, nên tia sáng sẽ trông như đứng yên, ngưng đọng giữa thời gian. Nhưng tới
tận tuổi 16, cậu cũng chưa từng gặp ai thấy được sóng ánh sáng đứng cố định.
Suốt mười năm tiếp theo, cậu nghiên cứu để giải đáp câu hỏi này.