TƯƠNG LAI NHÂN LOẠI - Trang 203

sáng lập công ty có tên Elysium Health (Sức khỏe thiên đường) để nghiên cứu
những khả năng này.

Chất thứ hai có thể gây nên lão hóa là telomerase, một loại enzyme giúp điều tiết
đồng hồ sinh học con người. Cứ mỗi lần tế bào phân chia, các đầu mút của nhiễm
sắc thể, gọi là telomere, đều ngắn lại một chút. Cuối cùng, sau khoảng 50 đến 60
lần phân chia, telomere trở nên cực ngắn rồi biến mất hoàn toàn và nhiễm sắc thể
bắt đầu tan rã, các tế bào bắt đầu bước vào giai đoạn lão hóa, không còn hoạt
động chính xác nữa. Số lần tế bào có thể phân chia là có giới hạn, gọi là giới hạn
Hayflick. (Tôi từng phỏng vấn Tiến sĩ Leonard Hayflick, ông bật cười khi tôi hỏi
liệu giới hạn Hayflick có thể bị đảo ngược để giúp ta chữa “bệnh chết” không.
Ông tỏ ra cực kỳ hoài nghi. Ông cho biết giới hạn sinh học này là yếu tố cơ bản
của quá trình lão hóa nhưng các hệ quả của nó vẫn đang được nghiên cứu và do
lão hóa là quá trình sinh hóa phức tạp liên quan đến nhiều phương diện khác
nhau, nên chúng ta vẫn còn xa mới có thể điều chỉnh được giới hạn này trên con
người.)

Nhà sinh học từng đoạt giải Nobel Elizabeth Blackburn thì lạc quan hơn. Bà nói:
“Mọi dấu hiệu, bao gồm cả di truyền học, đều cho thấy có quan hệ nhân quả
[giữa telomere] và các tác động tiêu cực của lão hóa.” Bà chỉ ra rằng có mối liên
quan trực tiếp giữa telomere bị thu ngắn với một số bệnh. Thí dụ, nếu sở hữu
telomere ngắn - nằm ở 1/3 dưới cùng của dân số, xét theo độ dài telomere - thì
nguy cơ mắc bệnh tim mạch của bạn tăng thêm 40%. “Sự rút ngắn telomere,” bà
kết luận, “có vẻ là thứ đứng sau những bệnh gây chết người, như tim mạch, tiểu
đường, ung thư, thậm chí cả Alzheimer.”

Mới đây, giới khoa học thực hiện nhiều thí nghiệm với telomerase, loại enzyme
do Blackburn và các cộng sự tìm ra, có chức năng ngăn rút ngắn. Có thể nói, đây
là enzyme “làm ngưng đọng đồng hồ”. Khi được “tắm” trong telomerase, tế bào
da sẽ phân chia vô hạn, vượt xa giới hạn Hayflick. Tôi từng phỏng vấn tiến sĩ
Michael D. West khi ông còn làm việc với công ty Geron. Ông đã thí nghiệm
telomerase và tuyên bố mình có thể “bất tử hóa” một tế bào da trong phòng thí
nghiệm để nó sống mãi mãi. (Ông đã đưa một động từ mới vào tiếng Anh: “to
immortalize – bất tử hóa”.) Tế bào da trong phòng thí nghiệm này có thể phân
chia hàng trăm lần, chứ không chỉ 50 hay 60 lần.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.