trong hàng núi dữ liệu mà SETI thu thập được, cố gắng tìm ra “chiếc kim” dưới
“đáy biển”.
Tôi từng có vài dịp phỏng vấn tiến sĩ Seth Shostak, người đang làm việc cho Viện
SETI ở Mountain View, California. Ông tin rằng ta sẽ bắt liên lạc được với một
nền văn minh ngoài Trái Đất trước năm 2025. Tôi hỏi vì sao ông có thể khẳng
định như vậy. Sau bao thập niên dò tìm miệt mài, ta vẫn chưa từng thấy dấu hiệu
chắc chắn nào của văn minh ngoài hành tinh. Hơn thế nữa, dùng kính viễn vọng
vô tuyến để nghe các cuộc trò chuyện ngoài hành tinh cũng có phần giống như
trò may rủi, bởi có thể người ngoài hành tinh không sử dụng sóng radio. Có thể
họ dùng những tần số hoàn toàn khác hoặc dùng chùm tia laser, hay một cách
thức liên lạc hoàn toàn xa lạ mà ta chưa hề biết tới. Ông thừa nhận tất cả những
khả năng đó đều có thể xảy ra. Nhưng ông vẫn tin là ta sẽ sớm liên lạc được với
dạng sống ngoài hành tinh. Ông có phương trình Drake đứng về phía mình.
Năm 1961, bất mãn trước những suy đoán vô căn cứ về sự sống trong vũ trụ, nhà
thiên văn Frank Drake cố gắng tính toán xác suất tìm thấy một nền văn minh
ngoài Trái Đất. Theo đó, ta bắt đầu với số ngôi sao thuộc Dải Ngân Hà (khoảng
100 tỷ), sau đó giảm đi bằng cách nhân số đó với tỷ lệ các ngôi sao có hành tinh
xung quanh, rồi với tỷ lệ các hành tinh có sự sống, rồi đến tỷ lệ các hành tinh có
dạng sống thông minh, cứ thế tiếp tục. Tích của các tỷ lệ này cho ta con số gần
đúng về số nền văn minh tiên tiến có thể tồn tại trong thiên hà.
Khi Frank Drake lần đầu đưa ra công thức, vẫn còn quá nhiều điều chúng ta chưa
biết nên kết quả khi ấy hoàn toàn chỉ là phỏng đoán, ước đoán số nền văn minh
trong thiên hà dao động từ hàng chục ngàn cho đến hàng triệu.
Ngày nay, với cơn lũ thông tin về các ngoại hành tinh tìm thấy trong không gian,
ta có thể ước tính chính xác hơn nhiều. Tin vui là qua mỗi năm, các nhà thiên văn
lại càng thu hẹp được các yếu tố của phương trình Drake. Giờ ta biết trong Dải
Ngân Hà, cứ năm ngôi sao giống Mặt Trời thì có ít nhất một sao có các hành tinh
giống Trái Đất quay quanh. Như vậy, theo phương trình, có hơn 20 tỷ hành tinh
giống Trái Đất trong thiên hà của chúng ta.