thoát ra ngoài tia chiếu và phần năng lượng thoát ra vẫn nằm trong tiêu chuẩn
môi trường cho phép.
CHUYỂN TIẾP LÊN VĂN MINH CẤP II
Sau cùng, nền văn minh Cấp I có thể sẽ dùng hết năng lượng trên hành tinh và
phải tìm cách khai thác nguồn năng lượng bao la từ sao mẹ.
Văn minh Cấp II có lẽ sẽ dễ dàng tìm thấy, vì nhiều khả năng đây là nền văn
minh bất diệt. Không thứ gì mà khoa học biết đến có thể tiêu hủy được nó. Va
chạm với thiên thạch và tiểu hành tinh sẽ được ngăn chăn bằng công nghệ tên
lửa. Hiệu ứng nhà kính cũng không xảy ra khi sử dụng công nghệ hydro hoặc
công nghệ mặt trời (pin nhiên liệu, năng lượng nhiệt hạch, vệ tinh quang năng,
v.v..). Nếu có bất kỳ mối đe dọa cấp hành tinh nào, họ có thể rời bỏ quê nhà trên
những đội tàu không gian lớn. Thậm chí họ có thể di chuyển cả hành tinh nếu
cần. Với nguồn năng lượng đủ sức làm đổi hướng tiểu hành tinh, họ có thể kéo
các tiểu hành tinh chạy quanh hành tinh của họ, khiến đường bay của hành tinh
này hơi thay đổi. Liên tiếp thực hiện kỹ thuật đổi hướng như trên, họ sẽ dịch
chuyển được quỹ đạo hành tinh ra xa khỏi sao mẹ nếu sao mẹ đang ở giai đoạn
cuối và bắt đầu giãn nở.
Để tăng nguồn cung năng lượng, như đã đề cập, họ có thể chế tạo một quả cầu
Dyson để thu thập hầu như toàn bộ năng lượng từ sao mẹ. (Vấn đề là khi xây
dựng những quần thể siêu kiến trúc khổng lồ như vậy thì trên những hành tinh đá
có thể không có đủ vật liệu để thực hiện điều này. Đường kính Mặt Trời lớn hơn
Trái Đất 109 lần, nên sẽ cần lượng vật liệu lớn khủng khiếp để xây một kết cấu
bao quanh nó. Giải pháp cho vấn đề này có lẽ là công nghệ nano. Nếu làm bằng
vật liệu nano, độ dày của quả cầu Dyson sẽ chỉ chừng vài phân tử, nhờ đó lượng
vật liệu cần dùng sẽ giảm đáng kể.)
Số nhiệm vụ không gian để xây dựng siêu kiến trúc này sẽ cực kỳ lớn. Nhưng ta
có thể tính đến giải pháp sử dụng robot không gian và vật liệu tự tổ chức. Ví dụ,
nếu xây dựng được trên Mặt Trăng một nhà máy nano chuyên sản xuất tấm nano
cho quả cầu Dyson, ta có thể dùng robot lắp ráp các tấm này ngoài không gian.