Và các robot này có khả năng tự nhân bản, có thể tạo ra số robot vô hạn phục vụ
việc xây dựng.
Tuy văn minh Cấp II gần như bất diệt, nhưng về lâu dài, nó vẫn phải đối mặt với
một nguy cơ: theo định luật thứ hai của nhiệt động lực học, các loại máy móc sẽ
tạo ra lượng bức xạ nhiệt hồng ngoại đủ để khiến sự sống không thể tồn tại trên
hành tinh được nữa. Định luật này nói rằng entropy (rối loạn, hỗn độn, hoặc hao
phí) luôn tăng trong một hệ thống kín. Trong trường hợp đang bàn, mọi máy móc,
động cơ, thiết bị đều sản sinh hao phí dưới dạng nhiệt. Có lẽ ta sẽ ngây thơ nghĩ
rằng tạo ra một chiếc “tủ lạnh” khổng lồ để làm mát hành tinh là được. Tuy vậy,
dù tủ lạnh làm giảm nhiệt độ bên trong nó, nhưng nếu ta cộng hết tất cả mọi thứ,
gồm cả nhiệt lượng do động cơ tủ lạnh sinh ra, thì tổng nhiệt của toàn hệ thống
vẫn tăng.
(Giống như trong một ngày rất nóng, ta quạt gió vào mặt vì nghĩ rằng như thế sẽ
mát hơn. Đúng là mặt sẽ cảm thấy mát, tạm thời ta thấy dễ chịu hơn, nhưng nhiệt
sinh ra từ chuyển động của cơ, xương và các bộ phận khác trên cơ thể lại tạo
thêm nhiều sức nóng. Như vậy, việc quạt chỉ gây tác động tâm lý tức thời, còn
nhiệt độ cơ thể và nhiệt độ không khí xung quanh thực ra lại tăng.)
LÀM MÁT NỀN VĂN MINH CẤP II
Để sống sót qua nguy cơ từ định luật thứ hai của nhiệt động lực học, nền văn
minh Cấp II cần phân tán bớt máy móc để không trở nên quá nóng. Một biện
pháp khả thi mà ta đã đề cập là đưa hầu hết máy móc ra ngoài vũ trụ, biến hành
tinh mẹ thành một công viên. Như vậy, nền văn minh Cấp II có thể sẽ chế tạo
toàn bộ thiết bị sinh nhiệt ngoài không gian. Dù chúng sử dụng năng lượng từ sao
mẹ, nhưng nhiệt lượng hao phí sẽ được thải vào không gian và tiêu tan, vì vậy
không gây tác hại gì.
Quả cầu Dyson sau cùng cũng sẽ nóng lên. Tức là chính nó cũng tỏa ra bức xạ
hồng ngoại. (Ngay khi giả định rằng nền văn minh Cấp II sẽ tạo ra máy móc để
che đi bức xạ hồng ngoại đó, thì chính những máy móc này cũng nóng lên và
phát ra hồng ngoại.)