Nhưng nếu mất hàng thế kỷ để di chuyển giữa các hệ sao, sự gắn bó với hành tinh
quê nhà sẽ trở nên hết sức mong manh. Các hành tinh sẽ mất liên lạc với nhau và
những nhánh mới của loài người sẽ phát triển, thích nghi với những môi trường
vô cùng khác nhau. Những người khai khẩn có thể biến đổi gen hoặc “máy hóa”
chính mình để thích nghi với môi trường lạ. Sau cùng, có lẽ họ sẽ không còn cảm
thấy có chút kết nối nào với hành tinh quê nhà.
Điều này có vẻ mâu thuẫn với viễn cảnh của Asimov trong loạt truyện
Foundation, theo đó Đế quốc Thiên Hà sẽ nổi lên sau 50.000 năm nữa và thống
trị gần như toàn thiên hà. Liệu ta có thể dung hòa hai viễn cảnh tương lai rất khác
biệt này không?
Liệu có phải định mệnh sau cùng của văn minh nhân loại là phân thành nhiều
nhánh nhỏ và mỗi nhánh chỉ biết rất ít về nhau? Một câu hỏi lớn được đặt ra:
Liệu ta có chiếm được các vì sao nhưng lại đánh mất chính loài người? Và sẽ
phải định nghĩa “con người” như thế nào khi có nhiều nhánh con người khác biệt
như vậy?
Sự phân nhánh dường như là điều bình thường trong tự nhiên, là một dòng chảy
xuyên suốt quá trình tiến hóa, không chỉ với riêng loài người. Darwin là người
đầu tiên tìm hiểu ra điều này trong giới động thực vật. Trong cuốn sổ tay, ông vẽ
một cái cây có nhiều cành, mỗi cành lại phân thành những cành nhỏ hơn. Chỉ
bằng một sơ đồ đơn giản, ông đã vẽ nên cây sự sống, thể hiện toàn bộ sự đa dạng
của tự nhiên tiến hóa từ duy nhất một loài.
Sơ đồ này có lẽ không chỉ áp dụng với các sinh vật trên Trái Đất mà với cả chính
con người sau hàng ngàn năm nữa, khi chúng ta đã đạt đến văn minh Cấp II, có
thể chinh phục các ngôi sao ở gần.
CUỘC ĐẠI DI DÂN TRONG THIÊN HÀ
Để có cái nhìn cụ thể hơn về vấn đề này, ta phải phân tích thêm quá trình tiến hóa
của con người. Trong cuộc Đại Di dân diễn ra cách đây khoảng 75.000 năm, con
người di chuyển theo các nhóm nhỏ từ châu Phi qua Trung Đông, lập nên nhiều