khu định cư ở dọc đường. Có lẽ do các thảm họa thiên nhiên, như vụ phun trào
núi lửa Toba hay thời kỳ băng hà, mà một nhánh chính đã đi qua Trung Đông rồi
tới Trung Á. Sau đó nhánh này phân hóa thành các nhánh nhỏ hơn cách đây
40.000 năm. Một nhánh nhỏ tiếp tục đi về phía đông và cuối cùng định cư tại
châu Á, hình thành nên nhóm chính của người châu Á hiện đại. Nhánh khác đổi
hướng và đi đến Bắc Âu, trở thành người da trắng. Nhánh khác nữa đi về phía
đông nam, qua Ấn Độ, đến Đông Nam Á và Australia.
Ngày nay, ta thấy rất rõ kết quả của cuộc Đại Di dân.
Nó tạo ra nhiều chủng người khác biệt về màu da, chiều cao, hình dáng, văn hóa
và không còn ký ức gì về tổ tiên, cội nguồn nguyên thủy của mình. Ta có thể ước
tính mức độ khác biệt giữa các chủng người. Nếu một thế hệ là 20 năm thì
khoảng cách giữa hai người bất kỳ trên Trái Đất là khoảng 3.500 thế hệ.
Nhưng ngày nay, hàng vạn năm sau, với công nghệ hiện đại, ta có thể tái tạo toàn
bộ hành trình di cư này và xây dựng cây phả hệ con người suốt 75.000 năm qua.
Tôi đã có dịp chứng kiến minh họa sinh động của việc này khi dẫn một chương
trình truyền hình khoa học trên BBC về bản chất của thời gian. BBC lấy ADN
của tôi rồi đem đi trình tự hóa. Bốn gen của tôi được so sánh kỹ càng với gen của
hàng ngàn người trên khắp thế giới để tìm ra các điểm giống nhau. Vị trí của
những người có bốn gen giống tôi sẽ hiện trên bản đồ. Kết quả khá thú vị. Bản đồ
cho thấy nhiều người tập trung ở Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng cũng có một
đường dấu chấm rải rác, thưa thớt dần và dẫn đi khá xa, qua Tây Tạng, đến gần
sa mạc Gobi. Vậy là nhờ phân tích ADN, họ đã có thể vẽ lại con đường tổ tiên tôi
đã đi vào khoảng 20.000 năm trước.
CHÚNG TA SẼ KHÁC BIỆT ĐẾN MỨC NÀO?
Loài người sẽ khác biệt đến đâu sau hàng ngàn năm nữa? Liệu ta có còn nhận ra
loài người sau hàng vạn năm tách biệt gen không?