giờ không, một đồng nghiệp khác đã trả lời: “Theo tôi nghĩ, nếu làm thế, anh ấy
có lẽ sẽ bị bắn ngay tại chỗ.”
Von Braun trở thành con tốt cho chính con quái vật mà ông góp phần tạo nên.
Năm 1944, khi những nỗ lực cho chiến tranh không hiệu quả, ông uống say trong
một bữa tiệc và nói chiến tranh đang diễn tiến không thuận lợi. Tất cả những gì
ông muốn chỉ là nghiên cứu tên lửa. Ông tiếc là họ đã tập trung vào những thứ vũ
khí chiến tranh này thay vì tàu vũ trụ. Thật không may, trong bữa tiệc có một gián
điệp và khi những lời thốt ra khi say của ông được báo về chính phủ, ông bị lực
lượng Mật vụ bắt giữ rồi nhốt giam hai tuần trong tù tại Ba Lan, không biết liệu
mình có bị xử bắn không. Những lời buộc tội khác, gồm cả tin đồn ông là người
thân cộng, đã lộ ra khi Hitler định đoạt số phận của ông. Một số quan chức còn lo
sợ ông sẽ bỏ trốn sang Anh, gây tổn hại công trình V-2.
Sau cùng, Albert Speer
trực tiếp thỉnh cầu Hitler để cho von Braun sống vì vai
trò của ông với V-2 quá quan trọng.
Tuy đi trước thời đại đến hàng thập niên, nhưng mãi đến cuối năm 1944, V-2 mới
thực sự xung trận, quá trễ để ngăn chế độ Quốc xã sụp đổ khi Hồng Quân Liên
Xô và lực lượng Đồng minh kéo về Berlin.
Năm 1945, von Braun cùng 100 trợ lý đầu hàng phe Đồng minh. Họ và 300 toa
tàu chứa các tên lửa V-2 và linh kiện được bí mật đưa về Hoa Kỳ. Đây là một
phần của Chiến dịch Kẹp giấy, nhằm thẩm vấn và tuyển dụng các nhà khoa học
Quốc xã.
Quân đội Hoa Kỳ nghiên cứu kỹ V-2, đưa nó thành nền tảng để chế tạo tên lửa
Redstone. Lý lịch làm việc cho Quốc xã của von Braun và các trợ lý cũng được
xóa bỏ. Nhưng vai trò hết sức nhập nhằng của von Braun trong chính phủ Quốc
xã vẫn tiếp tục ám ảnh ông. Diễn viên hài Mort Sahl tổng kết sự nghiệp ông bằng
câu giễu cợt: “Tôi vươn tới những vì sao, nhưng thỉnh thoảng bắn nhầm
London.” Ca sỹ Tom Lehrer thì sáng tác những lời hát như sau: “Tên lửa bay lên,
ai quan tâm nó rớt xuống đâu? Đó chẳng phải việc của tôi.”