tinh. Newton đã đưa ra kết luận mang tính đột phá: nếu thay thế viên đạn đại bác
đó bằng Mặt Trăng thì phương trình chuyển động của Newton có thể dự báo
chính xác quỹ đạo Mặt Trăng.
Trong thí nghiệm giả tưởng về viên đạn, Newton đặt ra câu hỏi quan trọng: Nếu
quả táo rơi thì phải chăng Mặt Trăng cũng rơi? Viên đạn đại bác ở trạng thái rơi
tự do khi bay quanh Trái Đất, vậy thì Mặt Trăng có lẽ cũng rơi tự do. Nhận định
sáng suốt của Newton đã mở đường cho một trong những cuộc cách mạng vĩ đại
nhất lịch sử. Giờ đây, Newton có thể tính toán được chuyển động của đạn, Mặt
Trăng, các hành tinh – gần như mọi thứ trên đời. Chẳng hạn, áp dụng định luật
chuyển động của Newton, bạn có thể dễ dàng tính được viên đạn đại bác phải bay
với tốc độ gần 29.000 km/giờ để có thể bay vòng quanh Trái Đất.
Lý thuyết Newton trở thành hiện thực khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu
tiên trên thế giới, Sputnik, vào tháng 10 năm 1957.
KỶ NGUYÊN SPUTNIK
Người Mỹ choáng váng tận cùng khi nghe tin về Sputnik. Họ nhanh chóng nhận
ra Liên Xô đang dẫn đầu ngành khoa học tên lửa. Nỗi nhục nhã còn tồi tệ hơn khi
hai tháng sau, tên lửa Vanguard của lực lượng hải quân thất bại thảm hại trên
truyền hình quốc tế. Tôi nhớ rõ khi đó tuy còn nhỏ, nhưng tôi đã hỏi xin mẹ được
thức khuya xem phóng tên lửa. Bà miễn cưỡng đồng ý. Tôi kinh hoàng chứng
kiến Vanguard vừa bay lên hơn một mét thì rơi xuống, đổ nghiêng, phát nổ dữ dội
và chói lòa, phá hủy toàn bộ bệ phóng. Tôi có thể thấy rõ cái chóp phía trên hỏa
tiễn, nơi chứa vệ tinh, đổ nhào và mất dạng giữa quả cầu lửa.
Lại nhục nhã lần nữa khi lần phóng Vanguard thứ hai vài tháng sau đó cũng thất
bại. Báo chí được thể công kích, gọi quả tên lửa là “Flopnik” và “Kaputnik”
. Đại
diện của Liên Xô tại Liên Hiệp Quốc thậm chí đùa rằng có lẽ Nga nên giúp đỡ
Mỹ.
Trong nỗ lực lấy lại thể diện sau cú đòn truyền thông giáng mạnh vào uy tín quốc
gia, von Braun được giao nhiệm vụ sử dụng tên lửa Juno I để nhanh chóng thực