trọng hàng hóa có giá trị hơn là hành động anh hùng. Một đề nghị khác thì vẫn
kiên quyết với việc đưa con người vào không gian. Thực tế khắc nghiệt là Quốc
hội Hoa Kỳ và người dân đóng thuế luôn dễ dàng cấp tiền cho các phi hành gia
bay vào không gian hơn là cho con tàu thăm dò vô danh nào đó. Như một nghị sĩ
kết luận: “Không Buck Rogers thì không có tiền”
Cả hai nhóm đều muốn có cách bay lên không gian vừa nhanh vừa rẻ thay vì
những sứ mạng đắt đỏ kéo dài nhiều năm trời. Nhưng kết quả cuối cùng lại là sự
lai tạp kỳ quái chẳng làm vừa ý ai. Các phi hành gia sẽ được phóng lên cùng với
hàng hóa.
Hình hài của phương án thỏa hiệp chính là tàu con thoi, bắt đầu hoạt động vào
năm 1981. Loại tàu này là tuyệt tác tài tình tận dụng mọi kiến thức và công nghệ
tiên tiến được phát triển trong hàng thập kỷ. Nó có khả năng mang tải trọng hơn
27 tấn lên quỹ đạo và lắp ghép với Trạm Vũ trụ Quốc tế (International Space
Station - ISS). Không giống các mô-đun của Apollo sẽ bị thải bỏ sau mỗi lần bay,
tàu con thoi được thiết kế để tái sử dụng một phần. Tàu có khả năng đưa bảy phi
hành gia vào không gian rồi quay trở về, giống như máy bay. Vậy là việc du hành
không gian dần trở nên quen thuộc. Người Mỹ không còn lạ lẫm khi chứng kiến
các phi hành gia vẫy tay chào từ cuộc đổ bộ mới nhất lên Trạm Vũ trụ Quốc tế.
Và chính ISS là một thỏa hiệp giữa các quốc gia trả tiền xây dựng và duy trì hoạt
động của trạm.
Theo thời gian, chương trình tàu con thoi nảy sinh nhiều vấn đề. Thứ nhất, tuy
tàu con thoi được thiết kế nhằm tiết kiệm tiền, nhưng chi phí về sau bắt đầu tăng
vọt, đến mức mỗi đợt phóng tiêu tốn chừng một tỷ đô-la. Chuyển bất cứ thứ gì
lên quỹ đạo thấp bằng tàu con thoi cũng tốn khoảng 88.000 đô-la/kilôgam, đắt
hơn bốn lần so với các hệ thống vận chuyển khác. Các công ty phàn nàn rằng sẽ
rẻ hơn rất nhiều nếu phóng vệ tinh của họ bằng tên lửa thông thường. Thứ hai,
tàu con thoi không bay thường xuyên, nhiều tháng mới có một lần phóng. Ngay
cả không quân Hoa Kỳ cũng thất vọng với những hạn chế này và cuối cùng họ
hủy một số cuộc phóng tàu con thoi để chuyển sang các giải pháp thay thế.
Nhà vật lý Freeman Dyson ở Viện Nghiên cứu cao cấp thuộc Đại học Princeton,
New Jersey có cách lý giải riêng về việc chương trình tàu con thoi không đáp ứng