được những kỳ vọng. Nhìn vào lịch sử ngành đường sắt, ta thấy ban đầu tàu hỏa
cũng chuyên chở cả hành khách lẫn hàng hóa. Nhưng hàng hóa và hành khách có
những ưu tiên và yêu cầu rất khác nhau, nên rốt cuộc hai nhóm này đã được tách
riêng nhằm tăng hiệu năng và cắt giảm chi phí. Nhưng tàu con thoi chẳng hề có
sự phân tách đó nên vẫn mắc kẹt giữa lợi ích của hàng hóa và hành khách.
Thay vì trở thành “là tất cả đối với mọi người,” thì nó lại thành “vô nghĩa với
không trừ một ai,” đặc biệt là khi chi phí cho nó cao quá mức còn số chuyến bay
lại ít.
Và tình hình càng tệ hơn sau khi hai thảm họa Challenger và Columbia cướp đi
sinh mạng của 14 phi hành gia dũng cảm. Chúng làm suy yếu sự ủng hộ của công
chúng, từng cá nhân và chính phủ đối với chương trình không gian. Như hai nhà
vật lý James và Gregory Benford viết: “Quốc hội dần xem NASA chủ yếu là
chương trình việc làm chứ không phải cơ quan thám hiểm.” Họ cũng nhận xét
“rất ít công trình khoa học có ích được thực hiện trên trạm vũ trụ… Trạm giống
như nơi cắm trại giữa không gian, chứ không phải sống giữa không gian.”
Thiếu vắng ngọn gió Chiến tranh Lạnh để đẩy buồm đi, chương trình không gian
nhanh chóng mất nguồn cấp vốn và động lực. Vào thời hoàng kim của chương
trình không gian Apollo, có truyện cười rằng NASA chỉ việc tìm đến kêu gọi
Quốc hội cấp vốn và nói đúng một từ: “Nga!”, Quốc hội sẽ rút ngay tập séc và
hỏi: “Bao nhiêu?” Nhưng những ngày tháng đó đã qua từ lâu. Như lời Isaac
Asimov nói, chúng ta lên Mặt Trăng, nhặt quả bóng rồi đi về.
Mọi chuyện lên đến đỉnh điểm vào năm 2011, khi cựu Tổng thống Barack Obama
gây nên một vụ “thảm sát Lễ Tình yêu”
thứ hai. Chỉ một cái phẩy tay, ông hủy
bỏ chương trình Constellation (thay thế chương trình tàu con thoi), chương trình
Mặt Trăng và chương trình Sao Hỏa. Để giảm bớt gánh nặng thuế cho người dân,
ông dừng cấp kinh phí cho các chương trình này và hy vọng khu vực tư nhân sẽ
làm nên sự khác biệt. 20.000 nhân viên kỳ cựu của chương trình không gian đột
nhiên mất việc, những bộ óc kiệt xuất và tài giỏi nhất của NASA bị vứt bỏ. Nỗi
nhục lớn nhất là các phi hành gia Mỹ, sau nhiều thập kỷ cạnh tranh sát nút với
các phi hành gia Nga, giờ bắt buộc phải bay nhờ tên lửa đẩy của Nga. Thời hoàng