con sẽ cần đến lương và bảo hiểm y tế của con vào ngày Alexandru trở về
Mỹ tìm việc làm - chắc sẽ không còn lâu đâu.
Hợp lý. Quá hợp lý. Helen đã không thể không nghĩ rằng Jacob và bà
đã vượt qua mọi loại thử thách, nhưng luôn cùng nhau vì phải chăng đó là ý
nghĩa của hôn nhân? Làm sao mà một đôi vợ chồng có thể sống cách xa
nhau ở hai châu lục? Tất nhiên, bà đã không nói với họ điều mình nghĩ. Bà
quá sợ mất con trai một lần nữa. Quá sợ Marie, như thể con dâu là một thần
tượng toàn năng mà bà phải chinh phục bằng mọi cách. Marie và tình yêu
của con trai đối với cô gái Pháp vẫn là một bí ẩn mà bà không còn muốn
giải mã nữa.
Cho đến một cú điện thoại cách đây một năm, khi mà Marie đã trở lại
Mỹ. Điện thoại đã reo vào một tối, khoảng mười giờ rưỡi. Helen và Jacob
đã nằm trên giường và ngủ thiếp đi trước máy vô tuyến. Helen nhấc máy.
Khi nghe thấy con dâu khóc nức nở, bà có cảm giác mình muốn đổ gục
xuống. Ngay lập tức bà nghĩ tới điều tồi tệ nhất: một tai nạn, một cuộc mưu
sát khủng bố trong khu nhà của tổ chức Soros nơi Alexandru làm việc. Tổ
chức này giúp đỡ người Kurdes nên là một mục tiêu. Jacob tỉnh dậy, đã bật
đèn và lo lắng nhìn bà. Helen không hiểu nổi Marie nói gì vì con dâu cứ
khóc nấc lên và nói không rõ.
- Có chuyện gì vậy, Marie? Chuyện gì xảy ra vậy?
“Không có gì ạ” là câu trả lời mà cuối cùng bà nghe được. Marie khóc
vì nhớ Alex khủng khiếp, và đã quá muộn để gọi cho anh vì chênh lệch múi
giờ, cô không hiểu mình làm gì trong cái thành phố này của Connecticut,
nơi cách xa người đàn ông cô yêu hàng nghìn cây số. Helen cũng không
hiểu được. Bà nhận ra rằng Marie cũng là một nạn nhân, và ở cô cũng có sự
dịu dàng và dễ bị tổn thương. Một câu mà con trai bà đã nói với bà cách
đây ba năm trong lúc quá giận bỗng trở lại với bà: “Mẹ! Mẹ đã không bao
giờ mở lòng người mẹ với cô ấy!”